Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6

Chia sẻ
(VOV5) - Theo dự kiến, chiều 22-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Chiều 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào ngày 22-10, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, bế mạc vào ngày 21-11.

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6 - ảnh 1 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: QH

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Theo dự kiến, chiều 22-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước vào ngày 23-10. Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay sau khi được Quốc hội bầu.

Cũng tại phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Sau thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử và kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này. Theo quy định, việc thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ kết thúc từ ngày 1 tháng 2 năm 2019. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội đề ra cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước.

Tại phiên họp, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đề nghị cùng với việc thực hiện thí điểm, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan hữu quan sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có báo cáo với Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; cho phép sửa đổi luật theo hướng rút gọn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội nhằm bổ sung nội dung về cấp thị thực điện tử, sớm kết thúc thí điểm. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và cho rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách này là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Quốc hội; thống nhất kéo dài thực hiện thí điểm trong 2 năm. Trong thời gian này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chuẩn bị việc sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để trình Quốc hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu