Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của đất nước

Chia sẻ
(VOV5) - Đại biểu cũng tin tưởng Quốc hội sớm đẩy nhanh Quốc hội điện tử và Quốc hội số để tạo ra một thiết chế làm việc hiệu quả hơn trong tương lai.

Sáng 26/3, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Đánh giá kết quả 5 năm nhiệm kỳ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, các đại biểu cho rằng Quốc hội khóa XIV là một trong những nhiệm kỳ rất thành công, giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống.

Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của đất nước - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch điều hành phiên thảo luận.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ông Đoàn Bắc Việt, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nêu ý kiến: "Đây là nhiệm kỳ ban hành nhiều luật, bộ luật có chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, trong đó có những Nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá thể hiện tính kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn. Ví dụ như Nghị quyết thí điểm giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng; hay phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo đà cho sự hội nhập quốc tế của đất nước".

Trong lĩnh vực đối ngoại, hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XIV thể hiện rõ nét vai trò chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam; đồng thời, là thành viên có trách nhiệm, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Tiếp nối những thành công của Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tin rằng hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, bày tỏ: "Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng, đòi hỏi Chính phủ và cả hê thống chính trị trong những năm tới phải có chính sách phát triển mang tính đột phá. Điều này hoàn toàn có thể đạt được nếu có chính sách đúng, kịp thời phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Do vậy, để có động lực và tạo đà cho sự phát triển, Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát việc ban hành các văn bản, giám sát từ khâu tác động của chính sách, quy trình xây dựng cho đến việc ban hành và thực thi chính sách."

Đại biểu cũng tin tưởng Quốc hội sớm đẩy nhanh Quốc hội điện tử và Quốc hội số để tạo ra một thiết chế làm việc hiệu quả hơn trong tương lai. Chiều 26/3, Quốc hội nghỉ làm việc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu