Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020

Chia sẻ
(VOV5) -Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 9/11, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; thảo luận về dự án Luật Trồng trọt.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch và thảo luận về dự án Luật này.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 - ảnh 1Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. Ảnh minh họa/ VTV 

Trước đó vào chiều 8/11, Quốc hội nghe Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đa số đại biểu  tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Góp ý về nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục, bà Trần Diệu Thúy, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị xây dựng một chuẩn chung cho hệ thống sách giáo khoa. "Tôi đề xuất cần có chuẩn chung, khung chung của cả hệ thống trong đó bao gồm cả công lập và ngoài công lập. Chuẩn khung chung đó sẽ quyết định cấp 1-2-3 và lớp nào khi học sinh hoàn thành sẽ có chuẩn kiến thức đến mức nào. Số còn lại sẽ có phương pháp giảng dạy theo từng tỉnh thành, tùy vào điều kiện kinh tế xã hội địa phương hoặc hệ thống ngoài công lập có điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất khác để có điều kiện giảng dạy phù hợp."

Các đại biểu cũng cho rằng luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung cần xem xét thấu đáo trên mọi khía cạnh của giáo dục để hướng đến mục tiêu lớn nhất là không để ai bỏ lỡ cơ hội được học tập, dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay độ tuổi nào. Về nội dung xã hội hóa giáo dục, Nhà nước cần có cơ chế chính sách riêng với việc xã hội hóa giáo dục ở các địa bàn vùng sâu vùng xa để khuyến khích các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội học tập tốt hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu