Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Sáng 6/11, tại Hà Nội, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 2 ngày rưỡi.
Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 1 Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Trả lời chất vấn về việc tiến độ triển khai mạng 5G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam xây dựng mạng 5 G không chậm. Năm 2019 thử nghiệm kỹ thuật, năm 2020 thử nghiệm thương mại và năm 2021 sẽ triển khai trên diện rộng, sử dụng thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất.

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 2 Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Làm mạng 5G đồng thời tắt mạng 2G, 3G để tiết kiệm chi phí. Về giải pháp pháp phát triển dịch vụ công, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: “Cách làm là làm đồng loạt các dịch vụ công trực tuyến đưa lên cùng một lúc chứ không làm dần dần từng dịch vụ một. Có 2 Bộ đầu tiên là Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, và đã làm thí điểm ở tỉnh Bến Tre. Bộ Thông tin và Truyền thông sáng kiến là xây dựng nền tảng trục kết nối để cho các tỉnh dùng nền tảng này như một dịch vụ, như vậy những tỉnh chưa kịp đầu tư dùng ngay trục của Bộ. Chính phủ điện tử thì tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, còn Chính phủ số thì chuyển mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số và hoạt động dựa nhiều trên dữ liệu và cung cấp thêm dịch vụ mới. Chính phủ điện tử chủ yếu sử dụng công nghệ thông tin còn Chính phủ số thì sử dụng công nghệ số, nhất là công nghệ 4.0.”

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 3 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đối với giải pháp chống dịch COVID-19 và tiến độ sản xuất vaccine ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ những người nhập cảnh để phát triển kinh tế-xã hội và đón người Việt Nam về. Tới nay, Việt Nam đã đón khoảng 200.000 người vừa chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam từ nước ngoài về. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống với an toàn với dịch COVID-19 để hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu đạt mức xanh tức là an toàn thì mới được hoạt động. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch kéo dài ít nhất hết năm 2021, tức là hơn 1 năm nữa. Về vaccine ngừa COVID-19 hiện nay trên thế giới có trên 150 ứng viên vaccine ngừa COVID-19, trong đó Việt Nam có 4 ứng viên. Hiện nay thế giới có 32 vaccine thử nghiệm trên người, trong đó có 10 vaccine thử nghiệm giai đoạn 3. Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu vaccine thì hiện nay có 2 đơn vị tương đối đi trước dự kiến cuối năm nay bắt đầu thử nghiệm trên người. Có nghĩa là nhanh nhất cũng phải cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được vaccine".

Trong sáng 6/11, các bộ trưởng: Xây dựng, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội… cũng tham gia trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan tới lĩnh vực phụ trách.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu