Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội nghị TK 10 năm Nông thôn mới vùng ĐNB và ĐBSCL

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là Hội nghị tổng kết cấp vùng cuối cùng trước khi cả nước tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 10 tới tại Nam Định.

Sáng nay tại Bạc Liêu, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội nghị TK 10 năm Nông thôn mới vùng ĐNB và ĐBSCL - ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong lần dự Diễn đàn phát triển hợp tác xã nông nghiệp, một tiêu chí quan trọng về mô hình sản xuất trong nông thôn mới tại Đồng Tháp. - Ảnh: VGP 

Đây là Hội nghị tổng kết cấp vùng cuối cùng trước khi cả nước tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 10 tới tại Nam Định. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chủ trì Hội nghị.

Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội với các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 69,89%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 43,78%. Hai vùng có 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 33,7% của cả nước với 89 đơn vị.

Trong đó, Đồng Nai là tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của hai vùng đạt hơn 932 nghìn tỷ đồng cao nhất cả nước, trong đó ngân sách đối ứng của địa phương 81.481 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng 79.553 tỷ đồng…

Hội nghị tổng kết sẽ tập trung đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ, kết hợp phát triển mạnh du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, công nghiệp chế biến chất lượng cao gắn với việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu