Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật kiểm toán nhà nước

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Luật kiểm toán Nhà nước năm 2015 được  Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.

Chiều 25/10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước.

Luật kiểm toán Nhà nước năm 2015 được  Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của kiểm toán nhà nước, bảo đảm thiết chế kiểm toán nhà nước có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công...góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, thất thoát lãng phí.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật kiểm toán nhà nước - ảnh 1 Các đại biểu tại phiên họp toàn thể ngày 25/10

Tuy nhiên, sau thời gian thi hành, Luật kiểm toán nhà nước bộc lộ  một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cho rằng: Về cơ bản, tôi thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước. Từ việc hội nhập quốc tế, đòi hỏi hơn nữa việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán nhà nước. Nhằm hoàn thiện dự án, tôi xin đề xuất ý kiến như sau: về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, tôi nhận thấy rằng đối tượng kiểm toán còn rất rộng nhưng dự thảo luật lần này thu hẹp lại, phần nào đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay và đảm bảo được tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau trong thực tiễn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đồng tình với việc bổ sung thẩm quyền cho kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật kiểm toán, ông Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình đề nghị đánh giá và xem xét kỹ lưỡng tránh chồng chéo với các luật khác và quy định cụ thể về công khai, minh bạch của kiểm toán nhà nước: Luật đã có quy định công khai, báo cáo kiểm toán, nhưng lại không quy định về thời hạn công khai. Do đó làm giảm ý nghĩa, thậm chí làm vô hiệu hóa quy định về công khai. Vì vậy, cần bổ sung thời hạn công khai khi báo cáo được ban hành. Luật phòng chống tham nhũng có một số quy định thẩm quyền, trách  nhiệm của kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong các hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, cần được bổ sung thêm quy định liên quan đến quyền của Tổng kiểm toán nhà nước trong việc chuyển đổi vị trí của người có chức quyền trong vấn đề bị thanh tra kiểm toán.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu