Nâng cao và hoàn thiện chất lượng đường biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia

Chia sẻ
(VOV5) - Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia.

Chiều 14/11, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thuyết minh và thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia (Hiệp ước bổ sung năm 2019); Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Nghị định thư phân giới cắm mốc), được hai bên ký ngày 5/10/2019 tại Hà Nội.

Nâng cao và hoàn thiện chất lượng đường biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia - ảnh 1Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ngày 14/11

Nội dung chính Hiệp ước bổ sung năm 2019 nhằm pháp lý hóa việc hoán đổi đất, trình triển khai phân giới cắm mốc theo bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ năm 2011, trong đó xác định vị trí và xây dựng mốc biên giới số 30 thuộc đoạn biên giới tiếp giáp giữa tỉnh Gia Lai của Việt Nam và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và mốc biên giới số 314 thuộc đoạn biên giới tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia). Đồng thời thống nhất nguyên tắc điều chỉnh đường biên giới tại các đoạn biên giới không trùng khớp với đường biên giới theo Hiệp ước năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005. Việt Nam và Capuchia thống nhất điều chỉnh 3 mốc đoạn biên giới.)

Trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn hai văn kiện trên tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa 14, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: "Việc ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc là dấu mốc lịch sử đánh dấu nỗ lực của hai nước trong giải quyết vấn đề biên giới, sẽ tạo ra cục diện mới về an ninh, chính trị và mối quan hệ giữa hai nước cũng như trong khu vực.

Là cơ sở pháp lý, bảo đảm tương lai không một thế lực nào có thể lật lại hoặc xóa bỏ thành quả giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước; Hạn chế việc các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biên giới hai nước làm quân bài chính trị, nhằm lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá nhà nước và mối quan hệ hai nước. Là hình mẫu cho việc giải quyết hòa bình vấn đề biên giới trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế được thừa nhận rộng rãi.

Việc ký kết hai điều ước quốc tế này đã pháp lý hóa đường biên giới đã được phân giới cắm mốc trên thực địa phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế giữa hai nước và là bước đệm quan trọng để hai nước tiến tới giải quyết 100% công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định hữu nghị hợp tác và phát triển bền vững, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực 2 điều ước quốc tế này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai công tác quản lý biên giới và tiếp tục giải quyết các vấn đề biên giới giữa hai nước sau này; góp phần nâng cao và hoàn thiện chất lượng đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia.

Cũng tại phiên làm việc chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu