Ký ức 75 năm Tổng tuyển cử đầu tiên

Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra ngày 6/1/1946 trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức những cử tri ngày đó.

Ngày này 75 năm trước, (6/1/1946 - 6/1/2021) toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền Bắc đến miền Nam, đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện xứng đáng vào Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra ngày 6/1/1946 trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức những cử tri ngày đó.

Ký ức 75 năm Tổng tuyển cử đầu tiên - ảnh 1Người dân lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Ảnh TTXVN

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ có bút danh là Đỗ Quyên, sinh ngày 2/1/1925, ở Hà Nội, cho biết không khí Ngày Tổng tuyển cử cách đây 75 năm vô cùng sôi nổi. Tất cả phố phường đều rợp cờ, pa nô, áp phích, băng rôn. Thủ đô Hà Nội thức dậy cùng những tiếng hô khẩu hiệu, đồng thanh hát những bài ca cách mạng: “Tổng tuyển cử đấy là một sự kiện rất đặc biệt đối với người dân Việt Nam, đầu tiên nước Việt Nam có một Quốc hội. Quốc hội có chức năng lập pháp, Chính phủ thì thực hiện mà Quốc hội ban hành, tức là một bên là lập pháp, một bên hành pháp. Vấn đề lập pháp hành và hành pháp là một vấn đề rất mới đối với người dân nói chung. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói với tất cả các cán bộ làm công tác Quốc hội là phải làm thế nào cho dân hiểu: khi cầm lá phiếu thì lá phiếu đó có tầm quan trọng như thế nào, nó quyết định cả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tất cả phải tuân theo cái Quốc hội quy định”.

Ông Kim Xuyến Lượng, người Tày, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: Năm 1946, ông tròn 19 tuổi, vinh dự được là người cầm lá phiếu đi bầu trong ngày Tổng tuyển cử với một tinh thần hồ hởi và trách nhiệm cao: “Nếu có Quốc hội thì thành một nước Việt Nam do Quốc hội đặt ra, chế độ mới Việt Nam dân chủ chủ cộng hòa. Việt Nam là một nước đã có chính quyền, dân làm chủ. Thế nên dân đi bầu rất phấn khởi”.

Trên quy mô cả nước, thời điểm đó cả 71 tỉnh, thành phố đều tiến hành Tổng tuyển cử. Đã có tới 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt tỷ lệ 95%. Những người biết đọc, biết viết thì tự làm thủ tục bầu cử theo danh sách đã ghi ở bảng đen. Những người không biết chữ cố gắng tự học thuộc lòng mặt chữ để được tự tay viết lên lá phiếu đầu tiên trong đời. Nhiều người đã khóc trong sung sướng vì được thực hiện quyền dân chủ, được đi bỏ phiếu bầu ra những người xứng đáng đại diện cho mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu