Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII: Thảo luận toàn thể về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Những nội dung được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều trong ngày 5/11 là cơ chế kiểm soát quyền lực, tổ chức chính quyền địa phương, các quy định về đất đai. Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nỗ lực tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo.
(VOV5) - Buổi thảo luận diễn ra cả ngày 5/11với sự tham gia góp ý của 42 đại biểu Quốc hội. Những nội dung được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều là cơ chế kiểm soát quyền lực, tổ chức chính quyền địa phương, các quy định về đất đai. Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nỗ lực tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII: Thảo luận toàn thể  về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1

Góp ý về cơ chế kiểm soát quyền lực, ông Huỳnh Ngọc Đáng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cho rằng việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp,kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quỳên lập pháp, hành pháp và tư pháp là nội dung quan trọng. Nội dung kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền trên là điểm mới, tiến bộ: “Tôi tán thành giữ 2 chữ kiểm soát trong quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được thể hiện rõ nét trong các chương khác. Tôi đề nghị bổ sung thêm các quy định cụ thể về sự kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong các chương điều về Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án”.

Các quy định về đất đai cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Theo ông Bùi Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, việc dự thảo quy định đất đai được quản lý theo quy hoạch và pháp luật là chưa ổn. Nếu quy định như vậy sẽ đặt ngang vai trò pháp lý của quy hoạch với pháp luật. Mặt khác Việt Nam cũng đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý nhà nước thống nhất bằng pháp luật. Do vậy, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị: “Tôi đề nghị bỏ phần quy hoạch trong nội dung về quản lý đất đai trong dự thảo. Vấn đề quy hoạch, kế  hoạch sử dụng đất nên để cho luật đất đai điều chỉnh thì đúng tầm hơn. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất, tôi cho rằng quyền sử dụng đất thực chất là quyền tài sản, vì vậy đề nghị Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản và để làm cơ sở cho việc quy hoạch,giải toả, thu hồi. Mặt khác người sử dụng đất phải có nghĩa vụ sử dụng khai thác có hiệu quả, không để hoang hoá, lãng phí. Về việc thu hồi đất, Hiến pháp cần quy định rõ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân trong việc xem xét sự cần thiết thu hồi đất.

Về tổ chức chính quyền địa phương, các ý kiến tán thành với quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo vì sẽ tạo sự linh hoạt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho sự thành lập chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn sau này. Ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nêu ý kiến: “Hiện nay chúng ta trong quá trình thực hiện thí điểm mà chưa có sự tổng kết đánh giá về không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường. Nội dung này bám sát Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X là phân định lại thẩm quyền đối với chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo. Việc lần đầu tiên Hiến định khái niệm chính quyền địa phương nhằm đề cao vai trò của địa phương cơ sở.”

Một số đại biểu cũng bày tỏ sự tán thành với nội dung về tôn giáo, dân tộc trong Dự thảo sửa đổi. Ông Danh Út, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đề nghị ghi rõ hơn về công tác dân tộc:“Về dân tộc được đề cập khá nhiều trong các chương của dự thảo được đồng bào dân tộc đánh giá cao. Về dân tộc thiểu số đây là điều rất cần thiết đối với chính sách dân tộc. Tuy nhiên về xác định dân tộc thống nhất của các dân tộc chỉ cần xác định nước CHXHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc Việt Nam. Có quy định như vậy mới bao gồm những người không sinh sống tại Việt Nam nhưng mang quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài cùng có quốc gia là Việt Nam, đồng thời phù hợp với điều khoản nói về người Việt Nam ở nước ngoài được nhà nước bảo hộ và  phù hợp với Luật quốc tịch Việt Nam.

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định Uỷ ban dự thảo sửa đổi HIến pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nghiêm túc nghiên cứu , tiếp thu một cách tối đa, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Uỷ ban sẽ báo cáo với Quốc hội vào ngày 18/11 với tinh thần để xây dựng một bản Hiến pháp có chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. /.

 

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu