Hội thảo “Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan”

Chia sẻ
(VOV5) - Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa 14.

Hội thảo “Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan” - ảnh 1

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: daibieunhandan.vn

Sáng 17/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam”, nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa 14, cho ý kiến và dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Theo phân tích của các đại biểu tham dự hội thảo, các luật khác quy định về hành vi tham nhũng bao gồm: Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và Bộ Luật hình sự. So với các luật này, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được xem là luật chuyên biệt về chống tham nhũng. Để đảm bảo việc thống nhất xử lý hành vi tham nhũng, cần đưa vào Luật những quy định trực tiếp về xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho biết:

Vì phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng trùng lắp với rất nhiều luật có liên quan, nhiều nhất là liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự, cơ quan điều tra hình sự, thanh tra và kiểm toán. Luật Phòng, chống tham nhũng không phải cứu cánh của chống tham nhũng mà chỉ là một trong những điểm chấm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là luật chuyên ngành về phòng chống tham nhũng. Từ luật này, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung tất cả các văn bản, pháp luật khác.

Dưới góc độ kinh nghiệm quốc tế, Ngân hàng thế giới và cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia áp dụng phương thức “Khởi kiện căn cứ trên hành vi làm giàu bất hợp pháp hoặc làm giàu không công bằng” để đòi lại hoặc đòi đền bù các lợi ích có được từ các hành vi bất hợp pháp. Các tòa án có thể lệnh cho bị cáo phải trả lại các lợi ích bất hợp pháp, kể cả khi nạn nhân không chịu thiệt hại hoặc không chịu bất lợi nào khác. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu