Hội nghị CLV - 10 ra Tuyên bố chung đem đến xung lực hợp tác mạnh mẽ

Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp nối thành tựu đạt được, lãnh đạo ba nước đã quyết định tăng cường hợp tác toàn diện hơn, mở ra không gian hợp tác mới.

Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) diễn ra chiều 31/3, tại Hà Nội, với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Tham dự Hội nghị còn có Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á Takehiko Nakao, Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) Joaquim Levy. Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao các tổ chức quốc tế ADB, WB và ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao CLV.

Hội nghị CLV - 10 ra Tuyên bố chung đem đến xung lực hợp tác mạnh mẽ - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị -  Ảnh: VOV

Hội nghị ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác giữa ba nước đã đạt được trên nhiều lĩnh vực từ hạ tầng cơ sở đến tạo thuận lợi cho thương mại; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác CLV trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, giúp 13 tỉnh khu vực biên giới thu hẹp khoảng cách phát triển.

Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa 3 quốc gia, góp phần xây dựng các nền kinh tế CLV hội nhập, bền vững, thịnh vượng, và là một bộ phận không thể thiếu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, và ứng phó với các thách thức chung.

Trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị đã nhất trí từng bước mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV hướng tới bao trùm toàn bộ ba quốc gia, không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới. Để khởi động quá trình này, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030. Kế hoạch hợp tác bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế và kinh tế, và giao lưu nhân dân. Bên cạnh đó, các Nhà Lãnh đạo cũng chỉ đạo Uỷ ban điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.

Hội nghị CLV - 10 ra Tuyên bố chung đem đến xung lực hợp tác mạnh mẽ - ảnh 2 Thủ tướng ba nước Campuchia - Việt Nam - Lào tại lễ khai mạc Hội nghị - Ảnh: VOV.

Tại họp báo quốc tế sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cả ba Thủ tướng đều quyết tâm làm hết sức mình để xây dựng quan hệ tình cảm mà dân tộc ba nước đã vun đắp, đã nhất trí rất cao nhiều nội dung quan trọng của hội nghị này, thống nhất mở ra trang mới trong hợp tác phát triển. Tiếp nối thành tựu đạt được, lãnh đạo ba nước đã quyết định tăng cường hợp tác toàn diện hơn, mở ra không gian hợp tác mới. Thủ tướng ba nước giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiến tới mở rộng. Đây là sự tăng trưởng quan trọng không chỉ của ba nước mà cả ASEAN. Hội nghị cũng đưa ra biện pháp cụ thể trong thời gian tới, đó là kế hoạch hành động kết nối ba khu vực với  danh mục các công trình; đưa tam giác phát triển thực sự trở thành cấu phần không thể thiếu của ASEAN; đặt ưu tiên cao cho thuận lớn thương mại và đầu tư”.

Về kế hoạch kết nối ba nền kinh tế đến 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Đây là nội dung quan trọng. Trước hết là kết nối thể chế bao gồm tăng cường phổ biến chính sách pháp luật. Thứ hai là kết nối hạ tầng tập trung vào nâng cấp các tuyến đường giao thông, rồi điện lực, thương mại, du lịch. Thứ ba là kết nối con người bao gồm hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế,  thể thao, văn hóa.  Với sự kết nói đồng bộ này nhất định khu vực tam giác phát triển sẽ có bước phát triển trong thời gian tới”.

Nhân dịp này, ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV lần thứ 11 tại CHDCND Lào.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu