Đảm bảo lợi ích của nông dân và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai

Chia sẻ
(VOV5) - Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị “Góp ý về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi” trong chiều qua, tại Hà Nội.

Đóng góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.... các đại biểu cho rằng cần xác định giá đất theo cơ chế thị trường trước khi đền bù thu hồi đất và đảm bảo việc tái định cư cho người dân có điều kiện tốt nhất. Một số ý kiến khác cho rằng bồi thường thu hồi đất phải không để nông dân thiệt thòi.

Đảm bảo lợi ích của nông dân và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai - ảnh 1Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị “Góp ý về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi” trong chiều qua, tại Hà Nội.

Đánh giá cao sự tham gia góp ý kiến của các tổ chức hội nông dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chuyển dịch đất đai luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lực lượng sản xuất. Mục tiêu là đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân khu vực nông thôn và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình phát triển: "Nông dân chủ yếu sống ở nông thôn và quá trình chuyển đổi lên công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng là quá trình kết hợp với chuyển đổi nông nghiệp, nông dân ở nông thôn lên đô thị và công nghiệp hóa, dịch vụ, thương mại. Đây là đối tượng hết sức quan trọng tác động rất lớn trong quá trình xây dựng các chính sách. Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rõ ràng cần phải có chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, chuyển dịch về lực lượng sản xuất, kèm theo đó chuyển dịch về tài nguyên đất đai".

Đến nay, các cấp hội nông dân cả nước đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) rộng rãi đến toàn thể các cấp hội và cán bộ, hội viên với nhiều hình thức, như: hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu