Cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Các đại biểu cho ý kiến về những nội dung còn ý kiến khác nhau về về ngành nghề kinh doanh.

Chiều 20/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều cho rằng: Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Ông Mai Hồng Hải, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, kiến nghị:  "Xây dựng Luật doanh nghiệp cần giải quyết đồng thời hai mục tiêu là quản lý Nhà nước về kinh doanh và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Nhìn lại gần 30 năm ban hành và thực thi các luật về doanh nghiệp, mỗi lần sửa đổi toàn diện Luật doanh nghiệp là có làn gió mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý Nhà nước về kinh tế; kiểm soát hoạt động và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường."

Cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam    - ảnh 1 Cân nhắc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi. - Ảnh: KT

Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhận định: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh. Đồng thời đề nghị đưa loại hình Hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp.  

"Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của Hộ kinh doanh và cũng là bảo đảm quyền bình đẳng của loại hình Hộ kinh doanh với các loại hình kinh doanh khác. Đưa Hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp vừa bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam vừa là bước tiến quan trọng đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, chấp nhận sự đa dạng, linh hoạt của các mô hình kinh doanh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập."

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về những nội dung còn ý kiến khác nhau về về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; bảo đảm đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu