Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

Chia sẻ
(VOV5) - Đảm bảo các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được diễn ra thông suốt, thuận lợi.

Nhằm hướng dẫn, cụ thể hoá những nội dung mới của Luật Đầu tư 2020, ngày 26/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Luật sư Phùng Quang Cường, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự nêu một số điểm nổi bật như sau:

Nghe âm thanh chi tiết tại đây:
 

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website: www.nhquang.com

Nghị định 31 có một số nội dung cần lưu ý như sau:

1. Quy định về cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại Nghị định 31 đã ràng buộc một cách rõ ràng trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết các khiếu nại, vướng mắc của nhà đầu tư một cách nhanh chóng, hiệu quả. Từ đó, đảm bảo các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được diễn ra thông suốt, thuận lợi.

2. Việc ban hành nguyên tắc áp dụng và công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải quyết một trong những vướng mắc lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam – đó là việc tìm hiểu và tra cứu các điều kiện đầu tư trong từng lĩnh vực, hiện đang được quy định rải rác tại rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

3. Việc quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đối với các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư chưa được quy định cụ thể trước đây đã giải quyết các vướng mắc đang gặp phải của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước, giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư cũng như mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khi thực hiện các thương vụ M&A đối với dự án, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng hơn.

4. Bên cạnh những nội dung được liệt kê, nhà đầu tư cần lưu ý rà soát, nắm rõ các nội dung mới mang tính nổi bật của Nghị định 31 như: thực hiện thủ tục đầu tư trực tuyến, mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, cách xác định địa bàn ưu đãi đầu tư, hay những nội dung của các văn bản dưới luật liên quan đến đầu tư được sửa đổi, bổ sung tại Chương IX của Nghị định 31 (về xác định dự án đầu tư có sử dụng đất, quy định về miễn, giảm tiền thuê đất,...) để áp dụng trong quá trình đầu tư kinh doanh.

 

Mội số nội dung được quy định trong Nghi định cần lưu ý:

Thứ nhất, cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư lần đầu được quy định. Theo đó, nhà đầu tư có quyền phản ánh vướng mắc, kiến nghị liên quan đến việc áp dụng và thi hành pháp luật về đầu tư; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện vụ án hành chính khi có căn cứ cho rằng tồn tại yếu tố trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết vướng mắc, kiến nghị; thông báo kịp thời cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, phối hợp giải quyết, tháo gỡ kịp thời khi các vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện có nguy cơ phát sinh thành tranh chấp đầu tư quốc tế; phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, ban hành danh mục về ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:

Chính thức ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Phụ lục I Nghị định 31) bao gồm: (i) các ngành, nghề chưa được tiếp cận (25 ngành, nghề); và (ii) các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện (59 ngành, nghề). Đồng thời, danh sách điều kiện tiếp cận thị trường sẽ được rà soát, tập hợp, đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.

Cũng theo Nghị định, nhà đầu tư nước ngoài (i) không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; (ii) phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường trong các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện; và (iii) được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước trừ các ngành, nghề quy định tại Phụ lục I Nghị định này.

Thứ ba, lần đầu bổ sung quy định chi tiết về đối tượng áp dụng, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư thuộc một số trường hợp phát sinh trong giai đoạn Luật Đầu tư cũ (2014) có hiệu lực nhưng chưa được ghi nhận và hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý, ví dụ: (i) Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư là tài sản bảo đảm; (ii) Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, sáp nhập dự án đầu tư; (iii) Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn vào doanh nghiệp; (iv) Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để hợp tác kinh doanh.

Thứ tư, đối với trường hợp nhà đầu tư quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư, tổng thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư sẽ không được vượt quá 12 tháng. Nhà đầu tư phải gửi thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư theo Mẫu A.I.13 quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư (Thông tư 03) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định ngừng hoạt động dự án. Tiếp đó, cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và thông báo việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan theo mẫu A.II.14 quy định tại Thông tư 03.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu