Nghị định 148/2018/NĐ-CP liên quan đến Hợp đồng lao động

Chia sẻ

(VOV5) - Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05 (Nghị định 148), có hiệu lực vào ngày 15/12/2018.

Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05 (Nghị định 148), có hiệu lực vào ngày 15/12/2018.

Luật sư Phùng Quang Cường, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự sẽ nêu một số điểm đáng chú ý của Nghị định này.

Nghị định 148/2018/NĐ-CP liên quan đến Hợp đồng lao động - ảnh 1

Nghe âm thanh tại đây:

Tăng tính thỏa thuận trong việc giao kết/chấm dứt HĐLĐ

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 05, HĐLĐ phải đảm bảo 11 nội dung cơ bản, trong đó bao gồm các nội dung về (i) chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương; (ii) thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, và (iii) trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, để đảm bảo thực hiện đúng quy định về 03 nội dung nói trên, NSDLĐ và NLĐ phải liệt kê chi tiết và đầy đủ các tiêu chí như: điều kiện, thời gian, thời điểm, mức lương sau khi nâng bậc lương; hay như số lượng, chủng loại, chất lượng và thời hạn sử dụng của từng loại trang bị bảo hộ lao động,... Những thông tin này thường dài và thậm chí thiên về kỹ thuật đặc thù (trang bị bảo hộ lao động), do đó, khi ghi nhận vào HĐLĐ sẽ khiến nội dung thỏa thuận giữa các bên mang trở nên nặng nề và mang tính hình thức. Theo kết quả khảo sát ý kiến của NLĐ và NSDLĐ thì việc quy định chi tiết các nội dung này chưa đảm bảo sự linh hoạt khi áp dụng trên thực tế, bởi lẽ chính 03 nội dung trên đã được quy định trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của NSDLĐ nhưng NLĐ và NSDLĐ vẫn phải thỏa thuận và ghi cụ thể các nội dung này trong HĐLĐ. Nhằm khắc phục những hạn chế này, Nghị định 148 đã sửa đổi lại theo hướng: thay vì ghi nhận từng nội dung chi tiết, NLĐ và NSDLĐ sẽ ghi nhận trong hợp đồng là “theo nội dung thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể”. Quy định mới này sẽ giúp mở rộng quyền tự do thỏa thuận của NSDLĐ và NLĐ và đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự do giao kết HĐLĐ theo Điều 17 của BLLĐ. Đồng thời, quy định mới của Nghị định 148 cũng sẽ đảm bảo tính linh hoạt và tạo sự thuận lợi cho các bên khi tham gia ký kết HĐLĐ cũng như thực hiện HĐLĐ.

Một quy định khác thể hiện việc khuyến khích sự thỏa thuận giữa các bên trong HĐLĐ là quy định về việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ cao tuổi. Nghị định 05 quy định rằng NSDLĐ sẽ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ cao tuổi trong trường hợp (i) NSDLĐ không có nhu cầu hoặc (ii) do sức khỏe của NLĐ không đảm bảo, hai bên chấm dứt HĐLĐ. Quy định này của Nghị định 05 từng được nhận định rằng có xung đột với quy định của BLLĐ, dẫn đến những tranh chấp lao động không đáng có. Theo đó, Điều 36 BLLĐ quy định, một trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ là khi (i) NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và (ii) đủ tuổi hưởng lương hưu. Như vậy vì tiêu chí chấm dứt HĐLĐ với người cao tuổi của BLLĐ và Nghị định 05 khác nhau nên dẫn đến việc NSDLĐ và NLĐ thường gặp lúng túng trong việc viện dẫn quy định áp dụng. Hiện nay, Nghị định 148 đã sửa đổi lại quy định này theo hướng mở rộng quyền tự do thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ, theo đó, việc chấm dứt HĐLĐ sẽ phải do cả hai bên thỏa thuận, quyết định về vấn đề này.

Thay đổi cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

Theo quy định tại Nghị định 05 thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được tính toán theo công thức dưới đây:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm = Tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ – (Thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật + Thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm).

Tại công thức trên, một trong những khoảng thời gian được tính là thời gian NLĐ làm việc thực tế cho NSDLĐ bao gồm cả thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ. Trên thực tế, khoảng thời gian thử việc, học nghề, tập nghề tương đối ngắn (từ 01 - 06 tháng) và trong một số trường hợp khoảng thời gian này chính là yếu tố dẫn đến việc tính trợ cấp thôi việc thường phải làm tròn tăng thời gian lên. Trong khi đó, phần lớn thời gian NLĐ thực tế làm việc đã được NSDLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thực trạng trên làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ, dẫn đến những khó khăn quan ngại cho doanh nghiệp khi tính trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Do đó, Nghị định 148 đã sửa đổi quy định về cách tính thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc làm, trợ cấp mất việc làm theo hướng lược bỏ khoảng thời gian này trong nhóm thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc. Việc sửa đổi, bổ sung như trên với mục đích đảm bảo sự hợp lý trong việc chi trả của doanh nghiệp với trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp mất việc làm.

Rút ngắn thời gian xử lý kỷ luật lao động

Theo Điều 30, Nghị định 05, trình tự xử lý kỷ luật lao động tương đối phức tạp, thực hiện qua các bước bao gồm (i) gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, (ii) tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động (sau khi đảm bảo thực hiện đủ 03 lần thông báo cho các thành phần tham dự), (iii) ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động. Quy trình phức tạp nói trên có khả năng kéo dài thời gian kỷ luật lao động, làm tăng chi phí tuân thủ của cả NSDLĐ và NLĐ, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghị định 148 đã rút ngắn thời gian xử lý kỷ luật lao động bằng cách quy định NSDLĐ chỉ cần gửi tối đa 01 lần thông báo cho các bên tham dự và nếu các bên tham dự không tham gia thì NSDLĐ có quyền tiến hành cuộc họp kỷ luật lao động.

Đồng thời, Nghị định 148 bổ sung thêm quy định rằng trong quá trình tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, nếu người được mời tham dự không xác nhận tham gia, vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đã xác nhận tham gia nhưng không đến dự họp thì cuộc họp vẫn sẽ được tổ chức. 

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

Website: www.nhquang.com 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu