Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ

Lại Hoa VOV
Chia sẻ
(VOV5) -Sự thành bại của bất cứ sự nghiệp cách mạng nào đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ.

Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, của Ban Tổ chức Trung ương, đang được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12. Theo đề án này, năm 2020 Việt Nam sẽ hoàn thành nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhân tài, chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lựa chọn cán bộ thực đức, thực tài, có năng lực nổi trội để nhanh chóng phát triển đất nước.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ - ảnh 1Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12. Ảnh: VOV 

Hiện Việt Nam có khoảng 610 cán bộ cấp chiến lược là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư.

Nâng cao nhận thức về công tác cán bộ

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa 8 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tình hình đã có nhiều thay đổi. Thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để nhanh chóng phát triển đất nước.

Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nêu ý kiến về cơ cấu ủy viên dự khuyết và vấn đề luân chuyển cán bộ: “Tôi đề nghị Trung ương nghiên cứu chỉ luân chuyển và điều động cấp trưởng, không có cấp phó. Cấp trưởng ở cương vị cao rồi thì cấp trưởng cấp tỉnh. Nếu đào tạo ở vị trí thấp hơn thì cấp trưởng ở cấp huyện, thậm chí cấp trưởng cấp xã. Tức là phải là cấp trưởng mới thể hiện bản lĩnh trí tuệ, năng lực và quyết liệt của mình. Đồng thời, càng tăng cường luân chuyển ở các địa phương khác nhau với điều kiện thực hiện khác nhau thì hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm sẽ hạn chế đi và tính tuân thủ pháp luật ngày càng cao lên”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ - ảnh 2 Ảnh minh họa/ TTXVN

Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12 đã chỉ rõ cần quan tâm đến việc học tập, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ, nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Đồng thời tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Theo hướng này, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội, nêu ý kiến về việc nghiên cứu việc thành lập Trung tâm tuyển dụng công chức, viên chức cấp Quốc  “Cần cân nhắc thêm về việc thành lập Trung tâm tuyển dụng công chức cấp Quốc gia. Vì vừa qua chúng ta thực hiện Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 đã xác định đẩy mạnh phân cấp trong tuyển dụng công chức viên chức cho các địa phương để phù hợp với đặc thù của các địa phương, đơn vị, nhất là phân cấp tuyển dụng các địa phương thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị. Theo tôi thì nên mạnh dạn phân cấp. Nếu chúng ta càng phân cấp thì các tỉnh, thành phố càng có trách nhiệm hơn”.

Nhiều đột phá trong công tác cán bộ

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 đang diễn ra tại Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: trọng tâm của Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụlà tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, chủ chốt ở các cấp với hai đột phá. Đó là: Đánh giá, bổ nhiệm, tuyển dụng nhân tài và kiểm soát, thay thế cán bộ. Theo đó, quan trọng nhất là tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, đi đôi với việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền đưa ra các quy định để chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên để họ năng động sáng tạo, làm động lực cho đổi mới phát triển.

“Phải chăng chúng ta cần nhìn nhận đến việc tất cả các vị trí quản lý của chúng ta đều phải chuyên nghiệp. Không phải trong việc quản lý chuyên nghiệp mà chính trị cũng phải chuyên nghiệp, nếu anh làm đúng thì được khen thưởng, đề bạt và nếu anh làm sai sẽ bị xử lý theo pháp luật, có vào, có ra, có lên, có xuống và có khen thưởng, kỷ luật. Đây là chuyên nghiệp chứ không phải là chỉ có đi lên mà không có đi xuống. Theo tôi, ở đây cũng nên nhìn đến vấn đề tính chuyên nghiệp trong tất cả các vị trí kể cả trong cán bộ chính trị của chúng ta.” ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nêu ý kiến.

Sự thành bại của bất cứ sự nghiệp cách mạng nào đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Bởi vậy, trước nhiệm vụ, tình hình mới, đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam sớm có Nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu