Vững vàng vị thế Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam khẳng định được vị thế và uy tín trong mọi mối quan hệ quốc tế.

Bất chấp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và thực tế ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo đạt mức tăng trưởng cao và Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2021.

Vững vàng vị thế Việt Nam - ảnh 1Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý (giữa) tại buổi họp báo quốc tế, với sự tham gia của hơn 60 phóng viên, đại diện các hãng thông tấn, báo chí thường trú tại Liên Hợp Quốc. Hiatj động mở đầu cho nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an 2020 - 2021. Ảnh: Khắc Hiếu/ TTXVN

Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered mang tựa đề "Vietnam - Q3 disruption, but recovery remains intact" (tạm dịch "Việt Nam - tăng trưởng bị gián đoạn trong quý 3, nhưng triển vọng phục hồi ổn định") công bố mới đây nhận định rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 7,8% vào năm 2021, gấp hơn 2,5 lần mức tăng trưởng của năm 2020 vốn đã được coi là ấn tượng và điểm sáng của kinh tế thế giới. Cùng xu thế đó, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings thậm chí dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP lên tới 11,2% vào năm 2021. Trước đó, “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9 cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,3%.

Như vậy, các dự báo và nhận định quốc tế đều tin tưởng Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 cao hơn mục tiêu tăng trưởng GDP 6% mà Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 11/11/2020. Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% năm 2021 của Việt Nam mà Quốc hội đặt ra, một mức cao so với triển vọng chung toàn cầu, là rất khả thi. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dư địa vẫn còn rất lớn để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng khi mà các nền tảng để tạo nên động lực phát triển đã có sẵn. Phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế 2021: điểm tựa phục hồi và phát triển” cuối tháng 11/2020, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Khai thác tốt được những dư địa của thể chế, của môi trường kinh doanh sẽ tạo nên động lực cho sự phát triển. Việc dỡ bỏ rào cản, đơn giản hóa thủ tục để có thể huy động các nguồn lực của toàn dân vào sự nghiệp phát triển, để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các dự án, sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển trong  năm 2021”.

Triển vọng kinh tế tươi sáng chính là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng để giới chuyên gia và hoạch định chính sách kinh tế quốc tế tin rằng, Việt Nam đang là điểm đến đầy hấp dẫn. Ông Hong Sun - đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF 2020 và là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khẳng định: “Việt Nam hiện là một trong những nơi có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến. Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường mới. Để tận dụng cơ hội này, nhiều công ty Hàn Quốc đang quan tâm muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, không chỉ số lượng mà cả chất lượng. Xu hướng trước đây chỉ doanh nghiệp sản xuất thì giờ có nhiều nhà đầu tư StartUp Hàn Quốc cũng chuyển sang Việt Nam làm việc”.

Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam cũng khẳng định được vị thế và uy tín trong mọi mối quan hệ quốc tế. Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, cộng đồng quốc tế không chỉ đánh giá cao đóng góp của Việt Nam, mà còn rất có niềm tin rằng vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao. Niềm tin này được hình thành và củng cố từ những cơ sở thực tế, nền tảng vững chắc. Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh: “Chúng ta đã đổi mới, mở cửa thành công, đã chơi theo luật quốc tế, tạo nên những thành tích được các nước đánh giá rất cao và bây giờ chúng ta đang làm tốt việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Thứ ba, chúng ta ứng xử rất đàng hoàng với các nước lớn, rất chung thủy với các nước bạn bè truyền thống, cũng như đối với tất cả các nước trên toàn cầu. Chính vì vậy người ta nhìn nhận Việt Nam không chỉ là một nước có trách nhiệm, mà còn là một người bạn tin cậy và ứng xử đàng hoàng”.

Trong khi đó, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định, Liên hợp quốc vẫn cần đến vai trò dẫn dắt, đi đầu của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này: “Có thể nói rằng, Việt Nam đóng vai trò đi đầu trong công cuộc đổi mới của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam là nước có vai trò quan trọng và Liên hợp quốc vẫn rất cần tới sự hợp tác của Việt Nam để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc”.

Với những thành quả thực tế đạt được năm 2020 cùng những đánh giá khoa học, khách quan về triển vọng kinh tế-xã hội cũng như vị thế quốc tế đang ngày càng được củng cố, nâng cao của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào, vững bước vào năm mới 2021 với tâm thế tích cực, lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu