Việt Nam tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Tại diễn đàn kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đang tập trung bàn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2016 cao hơn năm 2015.
(VOV5)- Tại diễn đàn kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đang tập trung bàn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2016 cao hơn năm 2015.

Việt Nam tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế - ảnh 1


Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.   


Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với quyết tâm, quyết sách của Chính phủ và cho rằng mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm 2016 - 2020 ở mức từ 6,5 - 7%/năm là khả thi. Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việt Nam đã đẩy nhanh được quá trình tái cơ cấu kinh tế trong 3 năm gần đây, nhất là trong tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là hiệu quả trong tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng thương mại. Chúng ta phải kiên quyết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tức là chúng ta phải kiểm soát tốt lạm phát và vấn đề về cán cân thương mại, cán cân thanh toán vãng lai, tỷ giá, kiểm soát bội chi ngân sách, kiểm soát tốc độ tăng của nợ công. Tất cả những cái đó giúp cho Việt Nam tăng trưởng bền vững.”


Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lực xây lắp kỹ thuật cao. Ba lĩnh vực trọng tâm được xác định bao gồm tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Việt Nam tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế - ảnh 2
Các đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận ở Hội trường

Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp  
Chú trọng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ được Quốc hội giao chính phủ ưu tiên chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Các đại biểu đánh giá cao các giải pháp của Chinh phủ tập trung cải thiện môi trường đấu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại quốc tế… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ nước ngoài ODA; Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chính phủ đã có 8 nhóm giải pháp, chúng ta phải triển khai đồng bộ và quyết liệt. Bản thân Chính phủ không tạo ra được tăng trưởng mà phải là doanh nghiệp. Cần nâng cao vị thế doanh nghiệp nội địa.”

Việt Nam tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế - ảnh 3


Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, phải chú trọng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân: “Những doanh nghiệp vừa và nhỏ thực chất là doanh nghiệp tư nhân. Chủ trương hiện nay rất rõ xem kinh tế tư nhân là một trong những khu vực kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta phải coi phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ như một chiến lược quốc gia về doanh nghiệp.”

Các đại biểu Quốc hội nhận định Việt Nam đang đứng trước thách thức và cơ hội khi một loạt các Hiệp định thương mại quốc tế đã được ký kết, trong đó đặc biệt có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tham gia Hiệp định TPP giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Nếu như năm 2015, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6,5%, thì năm 2016 tăng trưởng GDP cao hơn, giữ ở mức 6,7%. Như vậy, mục tiêu tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế đã và đang được Quốc hội Việt Nam hoạch định và thực hiện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu