Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực vượt trội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao  - ảnh 1 Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp. - Ảnh: vietnamnet.com.vn

Nhân lực là yếu tố quyết định thành công và tiến bộ của mỗi quốc gia, trong đó trình độ phát triển nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ tiến bộ xã hội, công bằng và phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam khẳng định phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời là nền tảng phát triển bền vững và gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập.     

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực vượt trội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian qua, Việt Nam ban hành nhiều chính sách về thu hút và sử dụng nhân tài, nhân lực có chất lượng cao, tạo môi trường và điều kiện để làm giàu cho nguyên khí quốc gia.

Nguồn lực dồi dào

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những lợi thế quan trọng mang tính quyết định để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đóng vai trò quyết định đến khả năng huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức.

Việt Nam hiện có đội ngũ nhân lực khá dồi dào, với số lao động trong độ tuổi lao động chiếm hơn 76% dân số, đứng thứ 3 trong ASEAN. Việt Nam cũng đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, sức trẻ là đặc điểm nổi trội, là tiềm năng nguồn nhân lực. Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng: :"Thực tế chúng ta đang nói nhiều đến thời kỳ dân số vàng. Chúng ta có trên 55 triệu lao động, đa số là lao động trẻ. Nếu biết khai thác và tận dụng cơ hội này, Việt Nam sẽ thuận lợi trong việc bứt phá phát triển nguồn nhân lực".

Việt Nam hiện có những tín hiệu khả quan trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ số đào tạo nghề năm 2019 đã tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng trong Báo cáo cạnh tranh năng lực toàn cầu, và là một trong các quốc gia có chỉ số tăng chất lượng đào tạo nghề rất tốt, từ đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục rà soát các hệ thống cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đang tìm kiếm nguồn lực lớn để đầu tư cho lĩnh vực này.

Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao  - ảnh 2 Ảnh minh họa. - Ảnh: TTXVN

Những hướng đi trọng tâm để bứt phá   

Thế giới và Việt Nam đang bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Ngoài ra, khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng lao động trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam, nếu giải quyết tốt bài toán cung cầu nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.

Trước thực tế trên, Bộ lao động thương binh và xã hội đã đầu tư và phát triển các trường nghề chất lượng cao, quy hoạch các ngành, nghề trọng điểm, chuyển giao chương trình đào tạo từ các nước phát triển. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá: "Chúng ta hợp tác với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài họ có công nghệ hiện đại. Các trường đào tạo nghề của Việt Nam kết hợp với họ, đào tạo theo đúng chương trình của họ thì sẽ có người giỏi, lương cao hơn và có động lực để người tài phát huy".

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: "Không phải chúng ta chỉ tập trung vào đào tạo cho lao động bắt đầu từ 15 tuổi trở lên, mà Bộ Lao động mà cụ thể là Tổng Cục dạy nghề, đào tạo ngay lại mấy triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế, nhất là những ngành mà sử dụng lao động thủ công như dệt, may, da giầy. Cho đến nay, chúng ta thấy rằng Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đi theo một con đường rất đúng hướng, phân luồng học sinh, đào tạo học sinh vào giáo dục nghề nghiệp".

Việc quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp, kết nối với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo… là những yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai đồng bộ, triệt để những giải pháp này là mục tiêu của chiến lược về phát triển nhân lực cho giai đoạn mới ở Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu