Việt Nam nỗ lực đấu tranh chống tình trạng buôn bán người

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -  Buôn bán người là một tội ác nghiêm trọng và vi phạm quyền con người. Việt Nam đã và đang cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tình trạng buôn bán người, nhằm nâng cao hơn nữa quyền con người nói chung.
(VOV5) -  Buôn bán người là một tội ác nghiêm trọng và vi phạm quyền con người. Việt Nam đã và đang cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tình trạng buôn bán người, nhằm nâng cao hơn nữa quyền con người nói chung.

Việt Nam nỗ lực đấu tranh chống tình trạng buôn bán người - ảnh 1
Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, tháng 3/2016. Ảnh minh họa: baoquocte.vn



Trong khuôn khổ khoá họp lần thứ 33 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đang diễn ra tại Geneva, Việt Nam đã phối hợp với 7 quốc gia từ 4 châu lục gồm Philippines, Indonesia,Trung Quốc, Mỹ, Costa Rica, Australia, Đức và Tổ chức Di cư Quốc tế cùng tổ chức toạ đàm quốc tế về "Giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm phòng, chống nạn buôn bán người". Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của Việt Nam nhằm hưởng ứng việc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc về giáo dục quyền con người.


Sáng kiến của Việt Nam

Với thực tế phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính của nạn buôn bán người, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Chí Dũng khẳng định tại tọa đàm, rằng giáo dục chính là chìa khoá vì thông qua đó, phụ nữ và trẻ em gái được trang bị những biện pháp và công cụ nhằm tự bảo vệ bản thân, trong đó có việc được đào tạo những kỹ năng cần thiết để có thể tự lập về tài chính.Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng chia sẻ với bạn bè quốc tế về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống nạn buôn người như gia nhập các công ước quốc tế, các sáng kiến khu vực, tiểu vùng và song phương như Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, Tiến trình Bali, Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng về phòng chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mekong (COMMIT)...; ban hành các đạo luật và chương trình quốc gia về phòng, chống buôn bán người. Đặc biệt, Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh tính hiệu quả của các mô hình theo sáng kiến của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam như Ngôi nhà bình yên, đường dây nóng phòng, chống mua bán người... trong việc giải cứu và cung cấp cho các nạn nhân bị buôn bán chỗ trú ẩn an toàn, hỗ trợ phục hồi về tâm lý và thể chất cũng như các kỹ năng để có thể sớm hoà nhập lại với cuộc sống. 


Cũng tại Khóa họp thứ 33 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao kỷ niệm 5 năm thông qua Tuyên bố Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về quyền con người, khẳng định Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục về nhân quyền. Việt Nam đã lồng ghép giáo dục về quyền con người vào chương trình học cũng như các kênh truyền thông và hoạt động cộng đồng. Trước đó, Việt Nam đã là tác giả nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền trẻ em” được thông qua bằng đồng thuận tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 6/2016.


Nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam thời gian qua. Việt Nam đã thành lập Cơ quan Thường trực Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán phụ nữ và trẻ em, triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát các nước trong đó tập trung thông qua kênh hợp tác Interpol, ASEANAPOL trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Các địa phương đã thực hiện tốt chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng…. Đặc biệt, các địa phương sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin đại chúng làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Các cấp chính quyền và các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng tổ chức thực hiện tốt chính sách, tạo phong trào hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân, lồng ghép công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân với việc thực hiện các đề án khác của Chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và với các chương trình kinh tế - xã hội khác có liên quan như phòng, chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, xoá đói, giảm nghèo và việc làm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu