Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 8/4/2021, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam tổ chức Phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững.

 Nội dung của phiên họp nhằm tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Sự kiện nhân văn và ý nghĩa này gắn với Ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ Hành động Bom mìn 4/4 được LHQ tổ chức hằng năm.

Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn - ảnh 1 Được thành lập vào tháng 8/2018, MAT 19 là tên gọi của đội nữ rà phá bom, mìn duy nhất trong 40 đội rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, có nhiệm vụ rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Việt Nam là một quốc gia chịu hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ước tính từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại trong cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Thế chiến I. Dù Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ hòa bình, nhưng nguy cơ tai nạn do bom mìn vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi, đe dọa an toàn của người dân cũng như cản trở các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội.

Với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện nay, Việt Nam cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn. Mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao năng lực, huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá nhằm giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Khắc phục hậu quả bom mìn là nhiệm vụ của Chính phủ cũng như trăn trở của hàng triệu người dân Việt Nam.Trên cơ sở đó, Việt Nam đã ký Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt (CCW). Đồng thời, Việt Nam tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến mìn sát thương, bom đạn chùm, bao gồm một số Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước cấm mìn sát thương (APMBC), Công ước cấm bom đạn chùm (CCM) và CCW với tư cách quan sát viên, để thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, kết hợp nắm tình hình, tuyên truyền về thực trạng ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam và các nỗ lực, kết quả đã đạt được, vận động tài trợ các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ phục vụ công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.Trong nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến năm 2025 (4/2010); Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về Quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn (02/2019); Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam - Giai đoạn 1”, Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên đất liền theo các kết quả điều tra của các tỉnh từ 2020-2013 (4/2018). Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền cho các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam, như việc Ban Chỉ đạo 701 đã chủ trì tổ chức 2 hội thảo quốc tế về chủ đề Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam tại New York và Washington DC (tháng 3/2019), Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Triển lãm “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt” bên lề Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (Hà Nội, 7-9/12/2020).

Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn - ảnh 2Ngày 8/4/2021, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam tổ chức Phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững.

Khắc phục hậu quả bom mìn không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Hiện có hơn 60 quốc gia trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Mỗi năm, có khoảng 15.000 người trên thế giới bị thương hoặc chết do tai nạn từ bom mìn sót lại.Vì vậy, khắc phục hậu quả bom mìn, nhất là trong môi trường hậu xung đột, là một chủ đề ưu tiên của Việt Nam khi đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nói chung và trong tháng Chủ tịch HĐBA LHQ nói riêng. Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của LHQ cũng coi khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, thời gian qua, Việt Nam đã đề cao vai trò của khắc phục hậu quả bom mìn trong tái thiết hậu xung đột trong các phát biểu, đề xuất đưa một số nội dung phù hợp về khắc phục hậu quả bom mìn trên cơ sở Nghị quyết 2365 vào một số văn kiện mới liên quan của HĐBA (như Nghị quyết 2540 trong năm 2020 về gia hạn phái bộ LHQ tại Somalia). Có thể nói, Việt Nam đã và đang nhân đôi nỗ lực ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Phiên họp ngày 8/4/2021 là cuộc thảo luận mở về bom mìn để nói về những thách thức hiện tại của bom mìn, để chia sẻ những kinh nghiệm của các nước, các khu vực trong giải quyết các vấn đề bom mìn, đồng thời đề ra những biện pháp mới để cộng đồng quốc tế giải quyết tốt hơn hậu quả của bom mìn.

Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn - ảnh 3Ngày 8/4/2021, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam tổ chức Phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững.

Việt Nam đã nhiều lần được LHQ nhắc đến nhiều lần là “hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh”.Việt Nam cũng là minh chứng sống động nhất cho chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững.Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn nhằm để bom mìn và chiến tranh trở thành quá khứ, sẽ thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam trên một lĩnh vực mà nhiều nước quan tâm và có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu