Việt Nam: điểm sáng kinh tế thế giới

Tổng hợp: Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong khi kinh tế thế giới khó lường và triển vọng toàn cầu vẫn bất ổn, thì Việt Nam nổi lên là điểm sáng khá tích cực.

Kinh tế Việt Nam đang tăng tốc về đích năm 2022, sau khi đạt mức tăng trưởng 8,83% trong 9 tháng qua. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19. Kết quả tăng trưởng không chỉ xuất hiện ở các ngành hàng xuất khẩu chủ lực mà còn ở tỷ lệ tăng trưởng đồng đều ở nhiều địa phương.

Việt Nam: điểm sáng kinh tế thế giới - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên. Ảnh: qdnd.vn

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều trên cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73%. 

Ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở các địa phương

TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hai địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đều ghi nhận mức tăng trưởng gần 2 con số trong 9 tháng qua. Không riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một loạt địa phương khác cũng có tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng như Bắc Ninh 9,7%; Hải Dương 10,14%; Quảng Ninh 10,12%; Hải Phòng 12,06%, Cần Thơ 17,57%, Đà Nẵng 16,76%... Khánh Hòa thậm chí tăng trưởng 20,48%, còn Bắc Giang tăng trưởng 23,98%.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022 diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết: " - Tăng trưởng riêng quý III của TP Hồ Chí Minh đạt 30,02 %, cộng chung 9 tháng đạt 9,97 %. Ngoài những chính sách giải pháp kịp thời, đồng bộ của Trung ương, sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự chủ động của thành phố trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, thì yếu tố vượt khó, năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp là yếu tố quyết định cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Việt Nam: điểm sáng kinh tế thế giới - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022. Ảnh: TTXVN

- GDP của Quý III của Hà Nội tăng 15,71 %; lũy kế 9 tháng đạt 9,69%, trong đó dịch vụ là tăng 11,51 công nghiệp xây dựng tăng 7,83 %.

- 9 tháng qua, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Khánh Hòa có nhiều khởi sắc và duy trì tốc độ phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 20,48%, các chỉ số sản xuất công nghiệp tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu du lịch tăng cao, đến nay đã vượt kế hoạch 103 %".

Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực

Ngay sau khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh kịch bản kinh tế và các dự báo về khả năng đạt các mục tiêu kế hoạch của năm 2022. Theo đó, con số được đưa ra là tăng trưởng GDP năm nay có khả năng sẽ đạt được 8%, cao hơn khoảng 1,5-2 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. 

Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá tích cực, lạc quan về Việt Nam. Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody‘s, WB, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 6,5%).

Tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 4/10,  bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên, cho biết IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4%, đồng thời thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp. Theo bà Era Dabla-Norris, đây là điều mà IMF không quan sát được ở các nền kinh tế khác. Với Việt Nam, IMF có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều trên cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73%.  

Ngày 03/10, S&P Global ( một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới có trụ sở ở Mỹ), công bố báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam. Trong đó có 3 điểm nổi bật: Sản lượng tiếp tục tăng mạnh; Áp lực lạm phát đã giảm; Tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tăng. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market nhận định: niềm tin kinh doanh vẫn mạnh mẽ và do đó triển vọng cho 3 tháng cuối năm nhìn chung là tích cực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu