Việt Nam đã và luôn ưu tiên lựa chọn tuân thủ luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông

Huyền- Điệp
Chia sẻ
(VOV5) - Là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3260km, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển.

Kể từ đầu tháng 7, một tàu khảo sát lớn của Trung Quốc, được hộ tống bởi các tàu có vũ trang, đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam một cách bất hợp pháp. Trước những diễn biến này, Việt Nam luôn kiên trì các giải pháp ngoại giao, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, giữ gìn trật tự, hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng phản bác các hành vi sai trái của Trung Quốc, ưu tiên lựa chọn tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông.

Cho đến nay, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là khung pháp lý cho tất cả mọi hoạt động trên các đại dương và vùng biển, được công nhận rộng rãi trên thế giới. Theo công ước này, tất cả các quốc gia giáp biển đều có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, vùng thềm lục địa 200 hải lý và vùng lãnh hải 12 hải lý. Tại khu vực Biển Đông, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều đã ký UNCLOS 1982 và phê chuẩn công ước này.

Vi phạm trắng trợn UNCLOS 1982

Trước hết cần khẳng định rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông và “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra hoàn toàn vi phạm UNCLOS 1982. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, dựa trên cái gọi là "các quyền lịch sử" vốn không có trong luật biển quốc tế. Năm 2016, tất cả những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc dựa trên Đường 9 đoạn và các quyền lịch sử đã bị Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague bác bỏ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không công nhận phán quyết này và tìm cách xác lập tuyên bố chủ quyền của mình thông qua các hành động đơn phương, phi pháp và có tính cưỡng ép.

Việt Nam đã và luôn ưu tiên lựa chọn tuân thủ luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông - ảnh 1àu thăm dò Hải Dương 8 liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh VOV.VN/ nguồn Weibo. 

Vụ việc xảy ra ở Bãi Tư Chính gần đây cho thấy rõ ràng những tham vọng đó của Trung Quốc. Bãi Tư Chính, nằm trong EEZ của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chưa tới 200 hải lý và cách biên giới trên biển của Trung Quốc 600 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc dựa trên Đường 9 đoạn mà tuyên bố Bãi Tư chính nằm trong EEZ của họ. Thậm chí, Trung Quốc còn triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và nhiều tàu tuần tra bờ biển được vũ trang đầy đủ nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác dầu mỏ của Việt Nam tại khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã buộc Việt Nam và một công ty đối tác của Việt Nam ngừng các hoạt động khai thác dầu ở khu vực này.

Các hành động này của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.

Ông James Borton, nhà nghiên cứu Biển Đông thuộc Trung tâm Khoa học ngoại giao Đại học Tufts, Mỹ cho rằng: "Việc Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương 8 vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam là một hành động mang tính thách thức về mặt pháp lý đối với chủ quyền, quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982. Sự nguy hiểm của hành động này chính là, dù Việt Nam đã khai thác khu vực thuộc chủ quyền của mình từ nhiều năm nay nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp, đánh lận trắng thành đen, tạo sóng căng thẳng về địa chính trị trong khu vực."

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng con đường pháp lý, hòa bình

Là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3260km, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Không chỉ tích cực tham gia vào quá trình xây dựng UNCLOS 1982, Việt Nam còn là quốc gia có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước, luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước.

Trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, hơn 3 tháng qua, Việt Nam luôn kiên trì sử dụng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông. Tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam còn được thể hiện nhất quán thông qua việc Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc của Công ước này vào các văn kiện của ASEAN, như “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) ký năm 2001 giữa ASEAN và Trung Quốc, “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”. Hay trong dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong quá trình đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở. Bởi quan điểm của Việt Nam cho rằng trong một thế giới văn minh thì các quốc gia phải hành xử với nhau một cách văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cho rằng: Ở thời đại này, quan trọng nhất là phải đảm bảo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982. Phải bảo đảm hòa bình an ninh, duy trì trật tự trên biển, tôn trọng vùng biển hợp pháp của các nước, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước. Những hành động như vừa qua của Trung Quốc là sai trái." 

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS  1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Các nước cả trong và ngoài khu vực đều có lợi ích từ một Biển Đông thượng tôn pháp luật. Vì vậy, bất kỳ một quốc gia nào sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để thôn tính, chèn ép quốc gia khác, dùng vũ khí thay cho công lý hoặc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế trong đó có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đều là hành động không văn minh và cần phải bị loại trừ khỏi đời sống quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu