Việt Nam cùng đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 đến 23/6 tại Bangkok, Thái Lan. Dưới chủ đề của năm ASEAN 2019 “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ quan điểm chung trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, hướng tới sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia, cũng như cho khu vực ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị nhằm tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm với sự phồn vinh của ASEAN, đóng góp xây dựng một ASEAN tự cường.

Hội nghị cấp cao ASEAN là hoạt động quan trọng đầu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan. Trọng tâm của các cuộc thảo luận tại Hội nghị là nỗ lực hướng tới một khu vực số hóa, xanh và kết nối liên tục, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh kiến trúc khu vực đang có nhiều biến động. Hội nghị đồng thời nhấn mạnh vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm để “không bỏ lại ai ở phía sau và hướng tới tướng lai”.

Việt Nam cùng đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh - ảnh 1Quốc kỳ của các nước khu vực ASEAN- Ảnh TTXVN

Giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến ASEAN. Không chỉ ASEAN mà các tổ chức khu vực cũng đang đối mặt với thách thức rất lớn trước những diễn biến của tình hình thế giới như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, an ninh truyền thống nhiều khu vực đang bất ổn cùng các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Bên cạnh đó, sự can thiệp của các nước lớn vào khu vực, những vấn đề riêng của từng nước thành viên khiến ASEAN đôi khi không đạt được sự đồng thuận chung. Đây cũng là những thách thức cản trở mục tiêu của ASEAN trong việc thực hiện tầm nhìn 2025 là xây dựng một cộng đồng dựa trên 3 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa–Xã hội, gắn kết với Thế giới và thúc đẩy hội nhập toàn cầu. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội gần đây, đã nhấn mạnh sự cần thiết là ASEAN phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác trong nội khối để có sức mạnh để chống lại những tác động tiêu cực từ bên ngoài:

“Để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm và là 1 cơ chế phù hợp không chỉ cho khu vực mà còn là toàn cầu, ASEAN cần phát triển sâu hơn nữa mối quan hệ hợp tác về an ninh, chính trị bằng cách xây dựng hệ thống các nguyên tắc chỉ dẫn cho những phản ứng chung của ASEAN cho những diễn biến trên thế giới. Ý tưởng tiếp tục cập nhật Hiến chương ASEAN để cho cơ chế ra quyết định của ASEAN trở nên linh hoạt hơn, đạt được sự đồng thuận cao, thích hợp hơn”.

Trong bối cảnh đó, Chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” do Chủ tịch Thái Lan đề xuất trong năm 2019 được cụ thể hóa qua nhiều nội dung cụ thể của Hội nghị như thông qua Tuyên bố chung về tầm nhìn của các lãnh đạo đối với sự bền vững cùng với kế hoạch hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển, cũng như phác thảo khuôn khổ những ý tưởng liên quan đến khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí thúc đẩy việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.

Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng một ASEAN vững mạnh

Việt Nam, một lần nữa tại Hội nghị lần này, với tư cách là thành viên tích cực, chủ động của ASEAN, đóng góp tích cực cùng các thành viên khác, xây dựng một ASEAN ngày càng ổn định, vững mạnh và phồn thịnh trong tương lai.

Việt Nam tự hào trong mỗi thành công của ASEAN thời gian qua đều có dấu ấn là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm, luôn chung tay cùng các quốc gia thành viên khác trong củng cố, đoàn kết, phát triển ASEAN ngày càng vững mạnh, hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Việt Nam mong muốn phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định:

"Việt Nam luôn coi ASEAN là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. 25 năm qua, Việt Nam đã luôn đóng góp vào các công việc chung của ASEAN. Không chỉ đề xuất và thực hiện các sáng kiến của ASEAN, Việt Nam còn coi trọng việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của cơ quan nhà nước, của người dân, doanh nghiệp về ASEAN. Ngay từ năm 2010 khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã đưa ra chủ đề của năm là Hướng tới cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn đến hành động. Và cho đến nay những hành động đó vẫn tiếp tục được đầu tư, thực hiện ở Việt Nam và gần đây mục tiêu lấy người dân làm trung tâm đã trở thành mục tiêu cao hơn."

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam trở thành thành viên trong đại gia đình ASEAN. Năm 2020, Việt Nam cũng đồng thời đảm nhiệm vai trò kép, vừa là Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020, vừa giữ cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2 năm cũng từ thời điểm đó.

Vì vậy, chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này nhằm tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm với sự phồn vinh của ASEAN, đóng góp các ý kiến thực chất để xây dựng một mái nhà chung là Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu