Việt Nam chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Dũng-Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 22/4 (giờ địa phương), Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia tham gia lễ ký thỏa thuận Paris về khí hậu, tại New York, 4 tháng sau khi văn kiện được 195 nước nhất trí thông qua.

(VOV5) - Ngày 22/4 (giờ địa phương), Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia tham gia lễ ký thỏa thuận Paris về khí hậu, tại New York, 4 tháng sau khi văn kiện được 195 nước nhất trí thông qua. Trong khi đó, tại Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo triển khai đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Điều này cho thấy tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của việc ứng phó với biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của Việt Nam.

Việt Nam chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu - ảnh 1



Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết năm 2015, biến đổi khí hậu tại Việt nam diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương có nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 40 độ C, mức nhiệt chưa từng xảy ra suốt vài thập kỷ trở lại đây. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Năm 2015, ước tính thiên tai làm 154 người chết, thiệt hại về vật chất hơn 8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử  đã gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.


Chủ động thích nghi

 
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khốc liệt và nhanh hơn nhiều so với dự báo, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam phải khẩn trương vào cuộc ứng phó biến đổi khí hậu với các biện pháp mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Việt Nam cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo về biến đổi khí hậu, thiên tai. Đầu tư cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng vùng kinh tế trọng điểm để có thể phân bổ nguồn lực ứng phó một cách hiệu quả. Việt Nam cũng đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc phối hợp liên vùng này phải gắn với các chiến lược, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, của từng dự án. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “ Đối với biến đổi khí hậu ở Việt Nam  trong giai đoạn tới phải vừa chủ động thích nghi, vừa phải ứng phó có hiệu quả. Chúng ta phải thích nghi trước cho nên việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phải được đề cập toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, coi như 1 trục phát triển.Kinh tế, xã hội và môi trường là tam giác phát triển. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp chính quyền nào cũng phải đề cập đúng mức”.


Việt Nam chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu - ảnh 2



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu chuyển đổi và đặc biệt tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng xanh, ít các bon, giảm phát thải khí nhà kính…theo lộ trình của Thỏa thuận Paris về khí hậu (COP 21). Thủ tướng yêu cầu huy động, đa dạng hóa nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên cho các dự án, công trình trọng tâm như xây dựng, nâng cấp các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, củng cố nâng cấp đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông, khu vực xung yếu.


Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ, ngành chủ chốt
         


Thủ tướng chỉ đạo Ủy Ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch đầu tư cần tích cực hợp tác quốc tế, tìm kiếm các nguồn lực, các nguồn tài trợ cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục rà soát, lồng nghép vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở một số vùng trọng điểm hiện nay.

Việt Nam chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu - ảnh 3



Trước mắt phải nghiên cứu đề xuất giải pháp cho những khu vực bị đe dọa trực tiếp của biến đổi khí hậu, kiểm tra thực tiễn mức độ tác động của biến đổi khí hậu để có giải pháp tốt hơn. Đặc biệt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn  rà soát quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long, đảm bảo khoanh vùng giữ nước ngọt, điều tiết mặn, phát triển kinh tế nước mặn. Riêng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Thủ tướng chỉ đạo: “Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp bộ ngành địa phương sớm cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam phù hợp bối cảnh hiện nay. Muốn vậy phải đẩy mạnh công tác dự báo; nghiên cứu đánh giá cụ thể đối với một số ngành, lĩnh vực trọng điểm tác động biến đổi khí hậu trước mắt, lâu dài, đặc biệt là khu vực nông thôn”.


Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà còn giúp Việt Nam triển khai hiệu quả thỏa thuận Paris về khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu