Vì một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) -Theo lời Ngoại trưởng Nhật Bản, sáng kiến ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản khởi xướng, đã lan tỏa trong cộng đồng quốc tế ở mức độ chưa từng có. 

Đúng như nhận định của giới phân tích, trong cuộc họp đặc biệt diễn ra giữa tuần này tại Tokyo (Nhật Bản), nhóm Bộ tứ Kim cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia (nhóm QUAD) đã cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế.

Năm 2017, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập ý tưởng xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đến tháng 9/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản báo cáo 32 trang về Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Báo cáo khẳng định tầm nhìn và cách tiếp cận của Mỹ gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản, với Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, với Kế hoạch Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Australia, với Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc và Chính sách mới gắn kết với phương Nam của Đài Loan (Trung Quốc).

Vì một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp - ảnh 1 Ngoại trưởng các nước nhóm “Bộ Tứ Kim cương” họp tại Tokyo (Nhật Bản), ngày 6/10. Ảnh: AFP

Vì vậy, cuộc họp trực tiếp các Ngoại trưởng QUAD tại Tokyo ngày 6/10 được cho là nỗ lực mới nhất của Bộ tứ Kim cương trong việc khẳng định tầm nhìn nhất quán và rõ ràng của nhóm về một khu vực Ấn Động Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp.

Thượng tôn pháp luật: quan điểm rõ ràng và nhất quán của Bộ tứ Kim cương

Trong cuộc họp trực tiếp tại Tokyo, ngoại trưởng 4 nước đã nhất trí tăng cường đoàn kết để thực hiện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường liên kết với nhiều nước khác. Đặc biệt, với tư cách chủ nhà, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitshu Motegi  nêu rõ, trong bối cảnh trật tự thế giới những năm gần đây đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nhiều lĩnh vực và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 càng gia tăng xu hướng này, Bộ tứ Kim cương có chung mục đích là tăng cường trật tự thế giới và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, là tầm nhìn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu này.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 29/9, Ngoại trưởng Motegi cũng cho biết, một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp nhóm Bộ tứ Kim cương tại Tokyo là “tăng cường liên kết để hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong bối cảnh tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông diễn biến phức tạp”.

Vì một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp - ảnh 2 Các Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản hội đàm. Ảnh KYODO

Một ngày trước cuộc họp tại Tokyo, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5/10 ra thông cáo nhấn mạnh tầm nhìn chung Mỹ-Nhật Bản về một khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Washington khẳng định sẽ cùng Tokyo thực hiện các mục tiêu chung, với cách tiếp cận dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã nhất trí tăng cường hợp tác để hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cụ thể, trong cuộc điện đàm kéo dài 25 phút, hai nhà lãnh đạo xác nhận sẽ tăng cường hợp tác để hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên quan điểm chia sẻ các giá trị quan cơ bản về tự do, dân chủ và pháp trị.

Cũng trên quan điểm này, sau cuộc họp trực tuyến các quan chức ngoại giao nhóm QUAD ngày 25/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố khẳng định, các quan chức QUAD đã tái khẳng định cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và bao trùm, dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.

Mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và vị thế của ASEAN

Đáng chú ý, phát biểu với báo giới sau cuộc họp hôm 6/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định sáng kiến ngoại giao Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản khởi xướng, đã lan tỏa trong cộng đồng quốc tế ở mức độ chưa từng có. Tuyên ngôn này của Ngoại trưởng Nhật Bản nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà phân tích. Trong đó, giới phân tích đặc biệt quan tâm nhân tố ASEAN, một cấu phần quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Trên thực tế, tháng 6/2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã thông qua “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34. Đây được coi là bước đi chiến lược nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á trong tổng thể thể tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế. Điều này lý giải vì sao QUAD luôn đề cao vai trò của ASEAN trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của mình. Theo tuyên bố hôm 25/9 của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các quan chức ngoại giao nhóm Bộ tứ Kim cương đã bày tỏ sẵn sàng làm việc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tất cả các nước khác nhằm thực hiện một tầm nhìn chung và có triển vọng cho Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.. Bộ tứ Kim cương đồng thời nhắc lại sự ủng hộ vững chắc đối với các cơ chế do ASEAN làm trung tâm và ASEAN lãnh đạo, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu