Tuân thủ luật pháp quốc tế, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Những hành động vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc gần đây ở biển Đông đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các quốc gia, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động kinh tế tại khu vực Biển Đông. Trước những hành vi cậy thế nước lớn của Trung Quốc, Việt Nam luôn có những giải pháp phù hợp với quan điểm kiên quyết, kiên trì và không nhân nhượng đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Từ trước tới nay, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, dựa trên Luật pháp Quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Tuân thủ luật pháp quốc tế, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo - ảnh 1Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng trên biển. - Ảnh: Anninhthudo.vn

Việt Nam luôn chọn hướng đi dựa trên sức mạnh của dân tộc với truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền hàng ngàn năm, đồng thời thể hiện trách nhiệm một quốc gia ven biển có yêu sách chủ quyền, đưa ra các phản ứng nhất quán và phù hợp.

Đề cao các biện pháp hòa bình

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các đơn vị hành chính khác cũng như các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai. GS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, cho rằng: "Việt Nam đã có những hành động tương đối quyết liệt với các hành động của Trung Quốc. Về mặt quan hệ quốc tế, Việt Nam lên tiếng với các nước, các tổ chức quốc tế để nhận diện rõ những âm mưu, tham vọng nguy hiểm, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông không chỉ là trách nhiệm của Việt Nam mà là của cả cộng đồng quốc tế."

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa học, Bộ Công An cho rằng: Trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, sức mạnh dân tộc chính là sự đoàn kết của nhân dân cùng với nhà nước Việt Nam để bảo vệ chủ quyền. Còn sức mạnh thời đại sẽ được phát triển dựa trên vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các tuyên bố chính trị, hành động vì lợi ích chung: 

"Tôi cho rằng phản ứng của Việt Nam hiện nay là hoàn toàn đúng mức. Chúng ta có quyền tuyên bố công khai cho 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước về thái độ rất rõ ràng của Đảng Nhà nước Việt Nam là kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chính thái độ này được cộng đồng quốc tế ủng hộ, quy tụ được lòng dân, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta đã huy động được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đấy chính là tiền đề quan trọng nhất để giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông". Ông Cương nói,

Kiên quyết không nhân nhượng

Trước hàng loạt tuyên bố chính trị và biện pháp hành chính sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây, Việt Nam đã liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam đã liên tục gửi lên Liên Hợp Quốc hàng loạt các công hàm chỉ rõ sự phi pháp, phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc khi nước này gửi công hàm lên Liên Hợp quốc yêu sách về Biển Đông. Điều này cho thấy sự quyết liệt và công khai của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer, Đại học Australia cho rằng: "Việt Nam cần tạo ra một mặt trận thống nhất trong cả nước, nhằm đáp trả chiến dịch trên. Cần nói rõ cho người dân và cộng đồng quốc tế biết về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam biết cách hoàn thành tốt nhiệm vụ này."

Chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. 

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, trước sau như một chủ trương giải quyết bằng thương lượng hoà bình những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, đặc biệt ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, trước những hành vi cậy thế nước lớn của Trung Quốc, Việt Nam luôn có những giải pháp phù hợp với quan điểm kiên quyết, kiên trì và không nhân nhượng, thể hiện trách nhiệm của một quốc gia ven biển có chủ quyền.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu