Trung Đông - khu vực bất ổn năm 2013

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Năm 2013, Trung Đông vẫn chiếm ngôi đầu trong danh mục các khu vực bất ổn nhất trên thế giới vì sự tồn tại của nhiều điểm nóng, đơn cử như xung đột Israel - Palestin, nội chiến tại Syria, Iraq, chương trình hạt nhân của Iran. Sự nguy hiểm tiềm tàng luôn thường trực khiến Trung Đông được ví như thùng thuốc súng có thể nổ tung bất cứ lúc nào. 

(VOV5)- Năm 2013, Trung Đông vẫn chiếm ngôi đầu trong danh mục các khu vực bất ổn nhất trên thế giới vì sự tồn tại của nhiều điểm nóng, đơn cử như xung đột Israel - Palestin, nội chiến tại Syria, Iraq, chương trình hạt nhân của Iran. Sự nguy hiểm tiềm tàng luôn thường trực khiến Trung Đông được ví như thùng thuốc súng có thể nổ tung bất cứ lúc nào. 
 

Bất ổn và xung đột tại Trung Đông năm 2013 vẫn xoay quanh việc tranh chấp lãnh thổ, mức độ làm giàu uranium, mâu thuẫn nội bộ dẫn đến nội chiến. Đây là những mâu thuẫn tồn tại từ lâu và chưa được giải quyết triệt để.  

 

Gam màu tối lấn át màu sáng trong bức tranh Trung Đông

Trong khu vực Trung Đông, Syria có lẽ là điểm nóng nhất về an ninh năm 2013. Cuộc nội chiến kéo dài đã đưa tổng số người bị chết lên tới hơn 100.000 người và đẩy hàng vạn người phải đi tị nạn. Nạn đói đã ở mức đáng báo động, nhất là tại các vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong bối cảnh nguy cơ can thiệp quân sự của phương Tây vào quốc gia này đã đến mức đỉnh điểm thì ngày 15/9 Nga - Mỹ bất ngờ đạt được thỏa thuận do Nga đề xuất, theo đó Syria chấp nhận để cho Liên hợp quốc kiểm soát toàn bộ các kho vũ khí hóa học của mình và tham gia ký hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học.


Trung Đông - khu vực bất ổn năm 2013 - ảnh 1
Phe nổi dậy Syria. Ảnh: AFP

Bước đột phá nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng vì đã loại bỏ khả năng phương Tây tự động trừng phạt Syria trong trường hợp nước này không tuân thủ Nghị quyết của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, việc giải giáp kho vũ khí hóa học chưa đủ xung lực tạo ra bước ngoặt cho việc kết thúc cuộc nội chiến. Minh chứng là tại Syria hàng ngày vẫn diễn ra các cuộc đấu súng giữa quân đội chính phủ Syria và phe nổi dậy. Thậm chí, nhiều nhà quan sát còn nhận định việc giải quyết kho vũ khí hóa học dường như chẳng có tác động mấy tới tư tưởng đấu súng của phe nổi dậy.

 

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry,  tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong năm 2013.  Các cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine không thu được kết quả. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục cho triển khai các dự án xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestin.

 

Ai Cập cũng trải qua một năm 2013 đầy biến động. Tổng thống Ai Cập Mohamad .Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) bị phế truất đúng một năm sau khi lên nắm quyền. Biến động chính trị này đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình của những người trung thành với ông Morsi và ủng hộ MB. Cơn lốc của những cuộc biểu tình, bạo lực, xung đột xảy ra hầu như hằng ngày đẩy Ai Cập rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc. Chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn phải chật vật trong tiến hành sửa đổi hiến pháp để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử với nỗ lực đưa đất nước Kim tự tháp trở lại con đường dân chủ và ổn định


Trung Đông - khu vực bất ổn năm 2013 - ảnh 2
Tình hình tại khu vực Trung Đông vẫn còn nhiều bất ổn. Ảnh: THX

Nói đến bức tranh Trung Đông năm 2013 còn phải kể đến xung đột tại Iraq. Tình hình bạo động tại quốc gia này đã lên tới mức tệ hại nhất trong nhiều năm. Theo thống kê có gần 9500 người thiệt mạng trong những vụ đánh bom và những cuộc tấn công của các phần tử tranh đấu tại khắp nước này. Số người thiệt mạng đã vượt quá những mức bạo động được thấy trước đây kể từ năm 2008.

 

Có lẽ điểm sáng duy nhất trong bức tranh chính trị ở Trung Đông năm 2013 chính là thỏa thuận mang tính lịch sử giữa nhóm P5+1 (5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức) và Iran tại Geneva hôm 24/11. Tuy chỉ là một thỏa thuận ngắn hạn với những điều khoản cũng chỉ mang tính tạm thời nhưng thoả thuận được đánh giá rất cao bởi suốt 3 thập kỷ qua bất đồng giữa hai bên về hạt nhân Iran chưa lúc nào tìm được cách hóa giải. Theo giới phân tích, quan trọng nhất là thỏa thuận này đã phần nào hạn chế được tính phiến diện cố hữu do được các bên đàm phán đặt trong bức tranh tổng thể của khu vực.

 

Triển vọng năm 2014        

Nhìn lại bức tranh thế giới năm 2013, giới quan sát nhận định rằng một số điểm nóng chưa thể làm nguội một sớm một chiều. Ngay cả Ngoại trưởng Anh William Hague từng cảnh báo rằng tình trạng bạo lực và bất ổn còn kéo dài ở nhiều điểm nóng của Trung Đông trong những năm tới.


Trung Đông - khu vực bất ổn năm 2013 - ảnh 3
Nụ cười vô tư của những đứa trẻ Syria bên trong một trại tị nạn. Ảnh: Reuter

Cuộc nội chiến tại Syria chưa biết điểm dừng. Hội nghị quốc tế về Syria (Hội nghị Geneva II), dự kiến diễn ra ngày 22/1/2014 được dự báo sẽ vô cùng khó khăn khi phe đối lập mong muốn một chính phủ mà không có sự hiện diện của chế độ Bashar al-Assad, còn ông Assad tuyên bố sẽ tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ mới năm 2014. Vấn đề chương trình hạt nhân của Iran cũng khiến dư luận chưa an tâm. Cho dù Tổng thống Iran luôn muốn chứng tỏ lập trường ôn hòa nhưng cũng không thể ngay lập tức tạo dựng được niềm tin từ các nước phương Tây hay áp chế được những phản ứng của phe đối lập trong nước. Đáng lo ngại là lực lượng khủng bố đang tìm mọi cách để mở rộng ảnh hưởng và thiết lập quan hệ với các nhóm Hồi giáo ở khu vực Trung Đông khiến "bóng ma" khủng bố trở thành mối đe dọa an ninh hiện hữu ở nơi đây.

 

Với những mâu thuẫn và xung đột chưa được giải quyết xem ra Trung Đông vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của thế giới trong năm 2014./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu