Triều Tiên trước sức ép của các lệnh trừng phạt mới

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)-Quyết tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên liệu có khả thi hay không là điều dư luận rất quan tâm hiện nay.

Liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua, CHDCND Triều Tiên hứng chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế liên quan đến các vụ thử hạt nhân của nước này. Ngay cả quốc gia vốn có quan hệ giao thương chặt chẽ với CHDCND Triều Tiên là Trung Quốc mới đây cũng thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với CHDCND Triều Tiên. Quyết tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên liệu có khả thi hay không là điều dư luận rất quan tâm hiện nay.

Triều Tiên trước sức ép của các lệnh trừng phạt mới - ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) theo dõi việc thử động cơ tên lửa tại một địa điểm bí mật. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Với tỷ lệ 15 ủng hộ, 0 phản đối, ngày 11/9/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên, nhằm đáp trả việc nước này tiến hành thử hạt nhân hôm 3/9. Đây là lệnh trừng phạt thứ 9 kể từ năm 2006 và là lệnh trừng phạt thứ 2 mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua trong năm nay, với nhiều điều khoản cứng rắn nhất từ trước tới nay liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực thế mạnh của Bình Nhưỡng như hàng may mặc, dầu mỏ, năng lượng. Ước tính, biện pháp trừng phạt mới có thể khiến CHDCND Triều Tiên thiệt hại thêm khoảng 1,3 tỷ USD doanh thu hàng năm.

 Thông điệp cứng rắn hơn

Sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh trừng phạt, Mỹ cũng công bố sắc lệnh hành chính tăng cường lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Sắc lệnh mở rộng danh sách đen những cá nhân và thực thể có hoạt động kinh doanh với CHDCND Triều Tiên.

 Đáng chú ý, lần đầu tiên, Trung Quốc đưa ra thông điệp cứng rắn, áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hàng dệt may và hải sản từ CHDCND Triều Tiên cũng như cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ, quặng sắt và than nước này. Theo các nhà quan sát, việc Bắc Kinh đưa hàng dệt may vào danh mục cấm giao thương là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế CHDCND Triều Tiên, bởi dệt may là nguồn thu xuất khẩu lớn thứ hai của CHDCND Triều Tiên, sau than và khoáng sản.

Triều Tiên trước sức ép của các lệnh trừng phạt mới - ảnh 2

Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên. Ảnh: EPA/TTXVN

Năm 2016, CHDCND Triều Tiên thu về khoảng trên 750 triệu USD từ xuất khẩu sản phẩm dệt may, trong đó lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm tới 80%. Cùng với đó, ít nhất ba chi nhánh ngân hàng lớn, gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, tại thành phố Diên Cát, giáp biên giới với CHDCND Triều Tiên, đã cấm công dân CHDCND Triều Tiên mở tài khoản hay chuyển tiền. Như vậy, có thể thấy, lần đầu tiên Bắc Kinh đã "gửi đi một tín hiệu rõ ràng" hơn tới Bình Nhưỡng.

Động thái của Trung Quốc khiến Mỹ hài lòng bởi từ trước tới nay Mỹ luôn cho rằn Trung Quốc chưa nghiêm túc trong việc kiềm chế nước láng giềng. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt trước đây, cho dù Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu từ Bình Nhưỡng, xuất khẩu vẫn tăng 30% trong nửa đầu năm. Cũng trong 6 tháng đầu, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn tăng 10% lên trên 2,6 tỷ USD.

Những tác động trực tiếp

Lệnh trừng phạt với những điều khoản mạnh mẽ nhất từ trước tới nay đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân biên giới Trung – Triều. Tại Hồn Xuân, thành phố thuộc Cát Lâm (Trung Quốc), nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Hàng chục cửa hàng đã phải đóng cửa, khiến các hãng đóng gói, phân phối, lái xe và nhà hàng cũng ảnh hưởng theo. Các thị trấn phía đông nam Trung Quốc vốn đang chật vật vì sự xuống dốc của ngành công nghiệp nặng, như luyện thép hay khai mỏ, giờ lại trở thành nơi hứng chịu hậu quả từ các lệnh cô lập CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, tại một khu công nghiệp ở Thẩm Dương, rất nhiều nhà máy đã đóng cửa, các công nhân tràn ra ngồi vệ đường, cầm biển tìm việc làm. Tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng cho biết Trung Quốc đã “hy sinh rất nhiều và phải trả giá quá đắt” để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với CHDCND Triều Tiên.

Trừng phạt có phải là giải pháp tối ưu?

Tính đến nay, Liên hợp quốc đã áp đặt 9 vòng trừng phạt lên CHDCND Triều Tiên kể từ năm 2006. Song có một thực tế là kinh tế CHDCND Triều Tiên vẫn không bị ảnh hưởng lớn. Điều này có thể cũng xảy ra tương tự với vòng trừng phạt lần này.

Giới phân tích nhận định, sức ép mà các cường quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng chỉ là giải pháp tạm thời. Với Trung Quốc, việc duy trì sự ổn định tại vùng đông bắc rất quan trọng với chính phủ Trung Quốc và bước răn đe cứng rắn này chỉ là bước tính toán mang tính “giơ cao đánh khẽ”. Hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rõ cái giá mà các lệnh trừng phạt này tác động lên kinh tế trong nước và bất ổn ở bán đảo Triều Tiên có thể giúp Mỹ tạo ảnh hưởng lớn hơn ở quốc gia sát gần biên giới.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, Bắc Kinh buộc phải gia nhập nỗ lực của cộng đồng quốc tế khi mà muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và củng cố một số vấn đề trong nước. Ngay cả Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh đây không phải là giải pháp ưu tiên của Washington.

9 lần áp đặt trừng phạt nhưng hơn 11 năm qua, các biện pháp này chưa có hiệu quả. Trừng phạt không thể khiến CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa, gia tăng trừng phạt không chặt đứt được huyết mạch kinh tế của CHDCND Triều Tiên, không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng như cộng đồng quốc tế mong muốn. Trừng phạt cần phải đi đôi với các cuộc đàm phán mang tính chiến lược thực sự, nhưng đáng tiếc các cuộc thảo luận giữa CHDCND Triều Tiên và cộng đồng quốc tế chưa thể diễn ra vào lúc này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu