Triển vọng Việt Nam năm 2018

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam kết thúc năm 2017 với nhiều thành công ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như vị thế quốc tế. Năm 2018, Việt Nam đứng trước nhiều vận hội, thời cơ mới, thuận lợi mới để tiếp đà thành công, vượt qua thách thức hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo tốt hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Về chủ quan, Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, hội nhập sâu rộng. Những yếu tố này tác động tích cực tới thế và lực của Việt Nam trong năm 2018.

 Triển vọng Việt Nam năm 2018 - ảnh 1 Đưa điện ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.  Ảnh: Minh họa

Kinh tế chuyển biến tích cực     

Mọi dấu hiệu và chỉ báo đều cho thấy môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển của Việt Nam trong năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017. Năm 2018 và các năm tiếp theo có thể là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp tư nhân chuyển mình phát triển lên một quy mô mới sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân. Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. 

Cùng với đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018), Quốc hội dự kiến sẽ thông qua luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Luật này sẽ tạo điều kiện tối đa, đảm bảo hàng rào pháp lý thông thoáng nhất để các nhà đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, mức độ hội nhập của Việt Nam cũng ngày càng sâu rộng, gắn với môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nhiều nhà đầu tư trên thế giới.

Từ những yếu tố này, nhận định về tiển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Mục tiêu 2018 tôi nghĩ chắc chắc sẽ đạt được. Nếu có cải cách toàn diện hơn, sâu sộng hơn, tốc độ nhanh hơn thì điểm sáng sẽ nhiều hơn. Vì người ta không tạo áp lực mà là dư địa cải cách chiều sâu mạnh mẽ hơn. Cái quan trọng của 2018 tôi muốn cải cách để tạo nền tảng tốt hơn cho những năm sau".

Các chuyên gia quốc tế cũng đặt nhiều niềm tin cho sự phát triển của Việt Nam. Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, tin rằng cùng với kinh tế toàn cầu được cải thiện, Việt Nam sẽ vượt qua thách thức 2018. Theo bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế của ANZ Khu vực tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, Việt Nam là thỏi nam châm hút dòng vốn FDI trong năm 2017 và trong thời gian tới. Trong khi đó, Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Caitlin Wiesen nhận định: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực và chúng tôi mong rằng trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển mạnh như vậy. Vấn đề năng xuất và sức cạnh tranh sẽ là yếu tố then chốt. Và từ góc độ của Liên hợp quốc chúng tôi sẽ nhìn vào các vấn đề như vốn, giáo dục đại học, nâng cao kỹ năng tạo thêm nhiều việc làm để đánh giá".

 Triển vọng Việt Nam năm 2018 - ảnh 2 Việt Nam tổ chức năm APEC 2017 được bạn bè cuốc tế đánh giá cao. Ảnh: sk&ds

Nâng cao vị thế đối ngoại                  

Tiếp nối thành công năm APEC 2017, năm 2018, vị thế quốc tế của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố thông qua việc đăng cai Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF26). Với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì Hòa bình, Sáng tạo và Phát triển bền vững”, APPF26 sẽ khẳng định cam kết của nghị viện các nước thành viên trong hợp tác kinh tế, văn hóa và phát triển khu vực. Cũng trong năm 2018, Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới - ASEAN (WEF-ASEAN). Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đặng Đình Qúy cho biết: "Những sự kiện như thế này có sự tham gia của hàng nghìn đại biểu quốc tế trong đó có lãnh đạo những tập đoàn toàn cầu, tập đoàn hàng đầu thề giới là thành viên của WEF, những nhà cố vấn chính sách. Vì vậy nó là sự kiện đối ngoại đa phương rất quan trọng của Việt Nam trong năm 2018. Thứ nhất là giúp duy trì và củng cố sự quan tâm của tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đối với Việt Nam. Thứ 2 là thông qua hội nghị, Việt Nam có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp toàn cầu".

Năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên với tiền đề thuận lợi từ năm 2017 và nắm bắt, tận dụng được các cơ hội, Việt Nam sẽ biến vận hội mới thành hiện thực trong năm 2018.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu