Triển khai nhiều dịch vụ công quốc gia, hướng tới Chính phủ điện tử

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việc triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Việt Nam vừa tích hợp thêm 11 dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu là nhằm hạn chế việc người dân phải đến trụ sở cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần chống dịch hiệu quả, đồng thời tăng cường hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng Chính phủ điện tử.

Các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp người dân ở 63 tỉnh thành có thể đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký điện nước, nộp các loại phí, lệ phí, dịch vụ thiết yếu trong nhiều lĩnh vực…Các tổ chức và doanh nghiệp cũng có thể kê khai và nộp thuế và một số thủ tục của Kho bạc Nhà nước và tờ khai hải quan trên nền tảng quan trọng này của Chính phủ điện tử.

Triển khai nhiều dịch vụ công quốc gia, hướng tới Chính phủ điện tử - ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh TTXVN 

Tăng hiệu quả phục vụ nhân dân

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh thực hiện hoạt động dịch vụ công quốc gia rất quan trọng. Đến nay, qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Việt Nam đã có hơn 77.200 tài khoản đăng ký, hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin. Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng tiếp nhận xử lý hơn 5.700 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 4.500 phản ánh, kiến nghị. Chính phủ đã và đang khắc phục những tồn tại về hạ tầng, nền tảng, kết nối, chia sẻ của các dịch vụ mới bổ sung, để dịch vụ công đảm bảo thành công mức độ 3, mức độ 4 và cung cấp dịch vụ cho người dân tốt nhất.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Dịch vụ công đợt này chúng ta rất quan tâm đến vấn đề thanh toán điện tử, vấn đề thanh toán, nộp tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ, thuế doanh nghiệp, thuế cá nhân, vấn đề liên quan đến vấn đề tư pháp…. Tác dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia mang tính thiết thực, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ công, đồng thời cũng nói lên trách nhiệm của các cơ quan dịch vụ công."

Dấu ấn về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử

Tích hợp thêm các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia chỉ là một trong nhiều nỗ lực về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam những năm qua. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng internet tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.

Năm 2019 cũng đánh dấu việc Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, ra đời của Cổng Dịch vụ công quốc gia.  Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một điểm sáng ấn tượng trong bức tranh cải cách hành chính và là bước đột phá trong nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam. Tích hợp thêm dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai ngày càng hiệu quả chủ trương xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.  

Tuy nhiên, việc triển khai Chính phủ điện tử của Việt Nam còn hạn chế do thực tiễn trình độ ứng dụng công nghệ thông tin giữa các cơ quan, địa phương có sự chênh lệch; phần lớn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng cho triển khai, phát triển Chính phủ điện tử còn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Vì vậy để đạt mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ: "Chúng ta cần có sự quyết liệt chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành để đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi nhận ở cả 4 cấp chính quyền. Đồng thời tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng, kết nối, tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch."

Hiện Liên hợp quốc xếp hạng Việt Nam đứng thứ 88/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Như vậy, hành trình tiến tới Chính phủ điện tử của Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Cùng với việc hoàn thiện Chiến lược xây dựng Chính phủ điện từ 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong kế hoạch năm 2020, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện Nghị định về quản lý kết nối cơ sở dữ liệu, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân... tiến tới sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và Luật lưu trữ.

Việc triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu