Tiến triển mới trong tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) -  Dư luận kỳ vọng đây chính là bước khởi đầu quan trọng hướng đến hồi kết cho cuộc khủng hoảng, chấm dứt nỗi thống khổ của hàng vạn người dân miền Đông Ukraine.  

Sau một thời gian dài bế tắc, tiến trình đàm phán tìm lối thoát cho cuộc xung đột đẫm máu tại khu vực miền Đông Ukraine đã đạt được tiến triển tích cực, mở ra hy vọng lớn về việc tạo lập một nền hòa bình thực sự cho quốc gia Đông Âu.

Sau 5 năm bùng phát và cướp đi mạng sống của khoảng 13.000 người, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã nhen lên hy vọng có thể được tháo gỡ, sau cuộc gặp thượng đỉnh của Bộ tứ Normandy gồm nguyên thủ các nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine tại Paris (Pháp) ngày 9/12 vừa qua.

Cuộc họp Normandy

Đây là lần gặp gỡ trở lại đầu tiên sau 3 năm của các nhà lãnh đạo tối cao 4 quốc gia có vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc xung đột. Tại đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã đạt được cam kết thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine cho tới cuối năm nay, đồng thời nhất trí tiến hành trao đổi tù binh theo hình thức "tất cả đổi lấy tất cả".

Tiến triển mới trong tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine - ảnh 1 Bốn nhà lãnh đạo Ukraine, Pháp, Nga và Đức tại cuộc gặp thượng đỉnh hôm 9/12 về tiến trình hòa bình Ukraine.- Ảnh: AP.

Theo đó, chính quyền Kiev sẽ trao trả 250 tù binh để đổi lấy 100 tù binh từ Cộng hòa tự xưng Donesk cũng như Luhansk ở Donbass, trước cuối năm 2019; tiếp tục rút lực lượng vũ trang tại các điểm xung đột cho tới cuối tháng 3/2020; tiến hành phi quân sự hóa thêm 3 điểm nữa; thực hiện việc dọn bom mìn và trong vòng 30 ngày sẽ thiết lập các điểm chuyển tiếp (cửa khẩu) mới cho người dân qua lại ở khu vực biên giới phục vụ mục đích nhân đạo; nhất trí tiếp tục gặp thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ chậm nhất sau khoảng 4 tháng nữa.

Niềm tin được thiết lập

Trên thực tế, kết quả này chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng là có thể giúp chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột. Tuy nhiên, nó mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng là thiết lập niềm tin, ở đây là giữa Nga và Ukraine. Quan hệ Nga-Ukraine đã rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng kể từ năm 2014, khi Nga quyết định sát nhập trở lại bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của bán đảo này. Thậm chí, hồi năm ngoái, Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko còn tuyên bố Kiev "đang bên bờ một cuộc chiến tranh tổng lực" với Moscow, sau vụ đụng độ giữa hai bên trên eo biển Kerch. Bởi vậy, cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại Paris giữa Tổng thống Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị Bộ tứ, được coi là một sự kiện lịch sử, bước ngoặt cải thiện Nga-Ukraine cũng như tiến trình hòa bình Đông Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau Hội nghị Normandy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá tiến trình đang diễn ra đúng hướng với những bước tiến cụ thể như trao đổi tù nhân, rút quân khỏi 3 điểm nóng ở khu vực giới tuyến theo thỏa thuận. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định Nhóm Bộ tứ Normandy đã vượt qua được “khoảng lặng” trong việc giải quyết vấn đề Donbass.

Tiến triển trên thực địa

Ngay trong ngày 10/12, phe đối lập ở miền Đông Ukraine khẳng định sẵn sàng trao đổi các tù binh với Kiev theo thỏa thuận đạt được giữa hai Tổng thống Nga-Ukraine, cụ thể là đổi 53 người Ukraine lấy 88 chiến binh vào cuối năm nay. Bước đi này được nhận định là hoàn toàn có sơ sở, bởi trên thực tế, Nga và Ukraine thời gian qua cũng đã trao đổi thành công tổng cộng 70 tù nhân, động thái được Tổng thống Nga Putin đánh giá là "một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ" giữa Moscow và Kiev. Đặc biệt, ngày 17/11, Nga thông báo trao trả 3 tàu của Hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ tại Biển Đen tháng 11/2018, động thái giúp hạ nhiệt đáng kể quan hệ căng thẳng Nga-Ukraine và có tác động tích cực đến cục diện ở miền Đông Ukcaine.

Theo các báo cáo khác nhau, tình hình tại hầu hết các khu vực miền Đông Ukraine trong những ngày qua hoàn toàn yên tĩnh, thể hiện sự hưởng ứng tích cực của các bên trên thực địa đối với cam kết chính trị đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo. 

Triển vọng

Mặc dù được dự báo sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức, song với những tiến triển tích cực cả trên bàn đàm phán và trên thực địa, nỗ lực giải quyết cuộc xung đột đẫm máu kéo dài nửa thập kỷ qua ở miền Động Ukcaine đã có hy vọng mới. Dư luận kỳ vọng đây chính là bước khởi đầu quan trọng hướng đến hồi kết cho cuộc khủng hoảng, chấm dứt nỗi thống khổ của hàng vạn người dân miền Đông Ukraine.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu