Thúc đẩy hợp tác APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh

PV/VOV-TTTPHCM
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc họp là hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh. 

Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế trong khuôn khổ chương trình Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) kết thúc ngày 24/8 với nhiều kết quả quan trọng. Kết quả này thêm một lần khẳng định những nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong năm APEC 2017, hướng tới mục tiêu như chủ đề của Năm APEC đã đề ra, đó là “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Thúc đẩy hợp tác APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh - ảnh 1Họp báo kết quả Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN 

Đây là cuộc họp quan trọng trong năm với những nội dung do Việt Nam đề xuất và đã được các nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua. Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế là hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh.

Chủ đề đáp ứng sự quan tâm chung của các thành viên APEC

Dưới sức ép của cách mạng công nghiệp, nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC đều phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như là chi tiêu tiền túi cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn, hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ thấp. Các nguồn lực không đủ để cung cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế tập trung thảo luận các nội dung như đánh giá hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế, tạo các cơ chế tài chính y tế bổ sung trong khu vực APEC, đối thoại chính sách về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh, xác định những giải pháp, chính sách phù hợp để xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khỏe cộng đồng, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân. Thứ trưởng Bộ y tế Việt Nam Lê Quang Cường nhấn mạnh: Chủ đề và các ưu tiên này đã được các đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên đánh giá rất cao và đạt được nhận thức chung, cam kết thúc đẩy hợp tác thực hiện lộ trình trong những năm tới. Tại phiên họp này, APEC cùng nhau rà soát lại kế hoạch hành động nhóm công tác về y tế 2017, thảo luận các ưu tiên và triển khai “Lộ trình vì Một châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020".

Thúc đẩy hợp tác APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh - ảnh 2 Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế của APEC. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Các nội dung thảo luận được đánh giá cao vì hướng vào giải pháp phát triển bền vững, coi đầu tư phát triển y tế chính là đầu tư cho phát triển của mỗi một quốc gia, nền kinh tế. Bà Ric Rocio Casido, Chủ tịch Nhóm công tác y tế APEC 2017 cho rằng: Cuộc họp lần này đóng vai trò hết sức quan trọng, là một sáng kiến thúc đẩy đối thoại của nước chủ nhà Việt Nam trong năm nay. Cuộc họp nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, hướng tới việc sử dụng các nguồn lực đầu tư cho y tế sao cho hiệu quả, kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, ứng phó với những dịch bệnh mới…

Y tế là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững ở khu vực

Trong bối cảnh hội nhập, hợp tác, giao lưu giữa 21 nền kinh tế thành viên càng phát triển thì việc phối hợp để kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn và đẩy lùi các dịch bệnh ngày càng cần thiết. Là một trong những nền kinh tế đi đầu và thành công trong việc phòng chống các dịch bệnh mới nổi và tái bùng phát, tại cuộc họp lần này, Việt Nam cũng tích cực chia sẻ các kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác y tế trong APEC. Việt Nam từng được Liên Hợp Quốc xếp vào danh sách là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới đạt được các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu khống chế thành công đại dịch SARS năm 2003 và kiểm soát tốt các đại dịch Cúm như H5N1, H1N1,H7N9, Ebola. Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bô Y tế cho biết: Nội dung này khi chúng ta đưa vào thì các nền kinh tế thành viên rất ủng hộ khi mà bối cảnh có những dịch bệnh mới nổi và tái bùng phát trong khu vực. Các nền kinh tế thành viên đang có một số dịch bệnh, chúng ta đưa vào đây hợp tác phòng chống dịch này sẽ góp phần nêu cao được vai trò của Việt Nam trong khu vực đối với vấn đề này.

Y tế là một cấu phần quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại và hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tư cho y tế là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững. Sức khoẻ tốt sẽ mang lại sự giàu có và là động lực thiết yếu cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế dài hạn cho mỗi nền kinh tế thành viên. Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế trong khuôn khổ chương trình Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) thành công tốt đẹp, mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa về y tế trong khu vực, thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam, đóng góp cho tương lai của APEC.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu