Thúc đẩy chính sách an sinh xã hội vì bình đẳng giới

Chia sẻ
(VOV5) - Bình đẳng giới đã được khẳng định là việc cả nam và nữ có vị trí, vai trò ngang hàng nhau, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng như nhau về thành quả.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng, song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thúc đẩy chính sách an sinh xã hội vì bình đẳng giới   - ảnh 1Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Tọa đàm chính sách về Bình đẳng giới. - Ảnh: molisa 

Bình đẳng giới đã được khẳng định là việc cả nam và nữ có vị trí, vai trò ngang hàng nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển cộng đồng của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua.

Những bước tiến được ghi nhận

Xây dựng và hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là một trong những trọng tâm mà Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khoảng cách giới trong cả 08 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật bình đẳng giới (2006) đã được rút ngắn đáng kể. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.

Việt Nam cũng luôn có những hành động tích cực trong việc triển khai chính sách, luật pháp về bình đẳng giới, trong đó chú trọng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội một cách đa dạng, toàn diện. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” khẳng định: Đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân. Và thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ Việt Nam đã và đang chú trọng đến việc phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với một quốc gia có thu nhập trung bình và với các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em. Hằng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: “Với những nỗ lực và quyết tâm như vậy, cùng với sự hỗ trợ và vào cuộc của các tổ chức quốc tế và cộng đồng, Việt Nam tiếp tục duy trì ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới và hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Năm 2018, Việt Nam vẫn giữ tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp và xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của Châu Á có mặt trong top 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số này và tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ. Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 của LHQ về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.

Tiếp tục điều chỉnh chính sách an sinh xã hội vì bình đẳng giới

Mặc dù Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách về giới nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là thời điểm Việt Nam thực hiện bước tiến tốt hơn nữa để phát triển nền kinh tế, dựa vào năng suất lao động cao và tạo ra việc làm thỏa đáng. Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt hướng tới phụ nữ và trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng: “Một trong những nội dung quan trọng của an sinh xã hội là thúc đẩy việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động. Do vậy, tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao và ổn định thông qua đào tạo nghề, vốn vay tạo việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho lao động nữ là giải pháp xoá đói giảm nghèo, bảo đảm có việc làm một cách hiệu quả và bền vững”.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang xúc tiến sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành (sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019). Đây là cơ hội bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới”, giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động, làm nền tảng cho thúc đẩy tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong quá trình phát triển đất nước, bên cạnh việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc ý thức rõ về yêu cầu thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em gái, là yếu tố góp phần đảm bảo các quyền con người, nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu