Tập trung trí tuệ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Đài TNVN trích giới thiệu những nội dung chính bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI diễn ra hôm qua tại Hà Nội.

(VOV5) - Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI có ý nghĩa quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định điều này trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị, diễn ra hôm qua tại Hà Nội. Đài TNVN trích giới thiệu những nội dung chính bài phát biểu của Tổng bí thư trong bài viết nhan đề: “ Tập trung trí tuệ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.


Tập trung trí tuệ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị TW 10. Ảnh: VGP


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương khoá XI họp Hội nghị lần thứ 10 để thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; cho ý kiến về một số báo cáo, đề án để Bộ Chính trị tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; giới thiệu bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và một số vấn đề quan trọng khác.

Đổi mới việc xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội XII

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII  được tiến hành từ sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10-2013), nhất là từ sau khi Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5-2014) thông qua các đề cương chi tiết. Về Báo cáo chính trị, văn kiện trung tâm của Đại hội, Tổng bí thư khẳng định: “Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; qua nhiều cuộc khảo sát thực tiễn, nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; làm việc với 22 Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ; đặc biệt là ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.

Tổng bí thư đề nghị Trung ương thảo luận, cho ý kiến vào toàn văn dự thảo Báo cáo; tập trung vào các đề xuất, kiến nghị cụ thể nêu trong Tờ trình như: chủ đề và phương châm chỉ đạo của Đại hội XII; kết cấu và nội dung của dự thảo Báo cáo. Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Từ đó khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục đổi mới toàn diện, tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xác định mục tiêu sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế

Về Báo cáo kinh tế - xã hội, một báo cáo quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã bám sát Đề cương được Hội nghị Trung ương 9 cho ý kiến, tích cực xây dựng dự thảo Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đề nghị Trung ương căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế xã hội tập trung thảo luận, đánh giá khách quan tình hình và những kết quả thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 được đề ra tại Hội nghị XI và được điều chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ”.

Theo Tổng bí thư, Trung ương cũng cần xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực.

Về Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng, Tổng bí thư đề nghị Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng và các kiến nghị của Bộ Chính trị về việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng khoá XI.

Góp ý cho các báo cáo, đề án và việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao

 Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016) đã được tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng thành dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới. Hội nghị Trung ương lần này chú ý cân nhắc kỹ những nhận định, đánh giá  quá trình phát triển đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam qua 30 năm và phương hướng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu ra các ý kiến gợi mở về việc đóng góp ý kiến vào Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014, Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí.Tổng bí thư cũng khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Nhấn mạnh nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo, đề án và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình của kỳ họp./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu