Tăng nhiệt ở chảo lửaTrung Đông

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Mỹ biết chắc những gì Mỹ làm sẽ khiến Trung Đông nói chung và quan hệ với Iran căng thẳng song chắc chắc Mỹ vẫn đang và sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại khu vực này.

Quyết định điều quân tới vùng Vịnh của Mỹ sau khi 2 cơ sở lọc dầu của Arab Saudi bị tấn công bằng máy bay không người lái đang khiến tình hình Trung Đông nóng như chảo lửa. Những ngôn từ như “chiến tranh” hay “xung đột quân sự toàn diện” đã được nhắc đến. Trong bối cảnh hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt căng thẳng ở khu vực này.

Tăng nhiệt ở chảo lửaTrung Đông - ảnh 1

Khói bốc lên sau các vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út, ngày 14/9 - Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết việc nước này triển khai thêm quân tới Trung Đông là theo yêu cầu của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm bảo vệ các đối tác tại khu vực trước các hành động gây hấn của Iran. Yêu cầu trên được đưa ra sau loạt sự kiện Iran tấn công máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6 năm nay, bắt giữ các tàu chở dầu cùng với vụ tấn công mà Mỹ đổ lỗi cho Iran nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia mới đây. Các lực lượng Mỹ triển khai thêm quân tới Trung Đông chủ yếu sẽ tập trung vào mục tiêu phòng không và phòng thủ tên lửa.

Làm gia tăng thêm căng thẳng

Thực tế việc triển khai quân tới Trung Đông là bước đi cần thiết của Mỹ khi nước này không thể mãi "im lặng" sau vụ tấn công vào an ninh của các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia. Vụ việc này có thể coi là một thử thách đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia. Trong thông báo của mình, các quan chức Mỹ cũng khẳng định, việc triển khai sẽ bao gồm một lực lượng binh lính “vừa phải” và chủ yếu nhằm mục tiêu phòng vệ.

Mặc dù phía Mỹ lý giải rằng việc điều quân tới Trung Đông là nhằm bảo vệ các đối tác tại khu vực trước các hành động gây hấn của Iran song một số chuyên gia cho rằng Trung Đông không cần đến lực lượng Mỹ, vì điều này chỉ làm gia tăng căng thẳng. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài đe dọa an ninh năng lượng và hàng hải trong khu vực. Ông kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời khỏi và "tránh xa" vùng Vịnh để không biến nơi này trở thành khu vực diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang. Theo ông, an ninh tại vùng Vịnh, Eo biển Hormuz và Biển Oman phải được đảm bảo thông qua sự hợp tác của các nước ven biển.

Trong khi đó, Tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Hossein Salami khẳng định: Iran không cho phép đất nước bị biến thành chiến trường và sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đến cùng. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì không loại trừ khả năng hành động của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự toàn diện.

Tăng nhiệt ở chảo lửaTrung Đông - ảnh 2

Mỹ muốn điều thêm quân đến Trung Đông để bảo vệ đồng minh Saudi Arabia - Ảnh: Reuters

Trong lúc căng thẳng dâng cao tại vùng Vịnh, quân đội Iran đã tổ chức duyệt binh rầm rộ tại Tehran và nhiều thành phố lớn, bao gồm thành phố cảng Bandar Abbas gần eo biển Hormuz. Nhiều xuồng máy tấn công cùng các hệ thống phòng không và những thiết bị quân sự khác xuất hiện tại cuộc duyệt binh. Iran cũng tổ chức buổi triển lãm máy bay không người lái nước ngoài bị Iran bắn hạ nhằm cho thấy quyết tâm của quân đội trước mối đe dọa từ nước ngoài.

Không dễ từ bỏ

Mỹ biết chắc những gì Mỹ làm sẽ khiến Trung Đông nói chung và quan hệ với Iran căng thẳng song chắc chắc Mỹ vẫn đang và sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Ngoài lý do để đảm bảo ổn định giá dầu mỏ, sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực còn mang đến cho Mỹ những lợi ích nhất định. Nếu Mỹ rời khỏi khu vực, tình hình sẽ rất phức tạp. Có vô số nhân tố đang muốn tìm kiếm những vai trò lớn hơn trong khu vực như Nga, Trung Quốc… Đặc biệt là Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhập khoảng 40% lượng dầu thô từ khu vực vịnh Ba Tư. Trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự ngoài lãnh thổ, đặc biệt ở Vịnh Ba Tư. Các tàu thuyền Trung Quốc tham gia nhiều cuộc tuần tra chống cướp biển ở bờ biển Somalia, xây dựng các chuỗi cảng trên danh nghĩa là cảng dân sự ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Djibouti cũng giúp nước này củng cố khả năng quân sự của mình.

Đó là những lý do mà giới phân tích cho rằng kể cả khi Mỹ ít phụ thuộc vào dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư nhưng quân đội nước này vẫn phải duy trì sự hiện diện ở khu vực.

Mối quan hệ Mỹ - Iran nói riêng và khu vực Vùng Vịnh nói chung đang trong trạng thái rất nhạy cảm. Tuy nhiên, dư luận vẫn hy vọng 2 bên sẽ không đẩy căng thẳng đi quá xa, không bị cuốn vào cuộc xung đột mang tầm khu vực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu