Sự nguy hiểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hơn lúc nào hết, các quốc gia cần phải cảnh giác trong những nỗ lực mở cửa trở lại để nền kinh tế không phải “giật lùi” thêm một lần nữa do làn sóng Covid-19 trở lại lần thứ hai.

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn đang hoành hành và chưa có dấu hiệu khả quan, khi mà số ca tử vong trên toàn cầu đã vượt ngưỡng nửa triệu người và số ca nhiễm trên toàn thế giới đã vượt 10 triệu.

Nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa bất chấp các tác động nặng nề lên nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có những biện pháp và hành động quyết liệt hơn nữa, đại dịch bùng phát trở lại có thể nhấn chìm mọi thành quả của thế giới nhiều thập kỷ qua, đặc biệt phải trả giá đắt về sinh mạng. Theo thống kê, cứ 18 giây trôi qua, lại có thêm một người tử vong vì đại dịch này. Câu hỏi liệu đại dịch Covid-19 lặp lại lần thứ 2 nguy hiểm và chết chóc hơn cả làn sóng thứ nhất cho đến nay chưa có câu trả lời.

Sự nguy hiểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai - ảnh 1

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thành phố Daegu, Hàn Quốc. -Ảnh: THX/TTXVN

Những nguy cơ hiện hữu

6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, thậm chí "đang gia tăng trên toàn cầu" dù nhiều nước đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Ở Mỹ, nước này đã từng ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống 20.000 ca/ngày liên tiếp trong nhiều tuần, thì những ngày gần đây đã tăng mạnh trở lại. Tính riêng hôm 26/6, Mỹ ghi nhận số ca bệnh trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát với hơn 40.000 ca. Trong khi đó, khoảng 30 quốc gia Châu Âu ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong 2 tuần qua, gần một nửa trong số đó ghi nhận sự gia tăng đột biến.

Hàn Quốc, quốc gia từng là hình mẫu về phòng chống dịch Covid-19, đang xuất hiện tình trạng các ổ lây nhiễm tập thể và lan rộng ở nhiều thành phố. Trong khi đó, Australia, quốc gia được đánh giá cao về khả năng kiểm soát dịch, cũng đang đối diện với làn sóng lây nhiễm lần hai xuất hiện tại bang Victoria, khi số ca tăng nhanh liên tục trong hơn 10 ngày qua, với phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế nước này nhận định những gì đang diễn ra ở Victoria cho thấy làn sóng dịch Covid-19 lần hai đã xuất hiện tại đây, với dự báo mức độ rất nguy hiểm.

Tại khu vực Mỹ Latinh, số người mắc bệnh Covid-19 đã tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người, với một số điểm nóng đáng chú ý như: Brazil, Mexico. Covid-19 đang thực sự đe dọa sức khỏe của người dân đồng thời làm lung lay nền tảng kinh tế xã hội tại khu vực vốn đã tồn tại những vấn đề đáng lo ngại từ nhiều năm nay. 

Cái giá phải trả có thể là rất đắt

Rõ ràng, đến thời điểm này, virus SARS-CoV-2 gây nên dịch Covid-19 là cực kỳ nguy hiểm, trong khi thế giới vẫn chưa sản xuất ra được vaccine điều trị. Quan điểm chống dịch của nhiều quốc gia, sự nôn nóng mở cửa nền kinh tế… đang được cho là các nguyên nhân khiến Covid-19 được đà lan rộng, không chỉ về quy mô, mà còn về tính chất.

Bất chấp các cảnh báo về làn sóng dịch thứ 2 và cả số ca nhiễm tăng mạnh trên thực tế, kể từ hôm nay (1/7), châu Âu bắt đầu tiến hành mở cửa từng bước với người nước ngoài, sau ba tháng phong tỏa. Tuy chỉ có một số nước được EU mở cửa biên giới tạm thời, nhưng nhiều quốc gia trong khối nôn nóng thúc giục Ủy ban châu Âu sớm mở cửa khối Schengen, nhất là những nước nguồn thu từ du lịch, tổ chức hội chợ quốc tế…, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc gia.

Các chuyên gia cảnh báo, hơn lúc nào hết, các quốc gia cần phải cảnh giác trong những nỗ lực mở cửa trở lại để nền kinh tế không phải “giật lùi” thêm một lần nữa do làn sóng Covid-19 trở lại lần thứ hai. Các quốc gia vẫn cần tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn virus lây lan. Có thể, các chính sách này không cần quá cực đoan nhưng phải đủ để đảm bảo số ca mắc mới giảm xuống. Ngoài ra, nếu một đợt dịch mới bùng phát sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng ở những quốc gia có hệ thống y tế yếu kém.

Lịch sử đã cho nhân loại một bài học mà không ai có thể chủ quan. Trong đại dịch cúm năm 1918, đợt bùng phát thứ 2 tồi tệ hơn rất nhiều so với lần bùng phát đầu tiên. Virus, không bị yếu đi, mà còn nguy hiểm hơn khi nó bùng phát trở lại. Dịch bệnh này khi đó đã khiến hơn 500 triệu người nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong trên toàn cầu. Nếu không có những biện pháp và hành động quyết liệt, rất có thể, cái giá mà nhân loại phải trả là vô cùng đắt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu