Quyền con người – bước tiến về tư duy pháp lý trong Hiến pháp nước CHXNCN Việt Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc Hiến pháp sửa đổi có thêm nội dung về quyền con người trong Chương II là một bước tiến đáng kể về tư duy pháp lý đồng thời cũng đảm bảo cho Hiến pháp sau khi ban hành không còn quá khác biệt so với nội dung của các bản Hiến pháp khác trên thế giới
(VOV5) - Hôm nay 2-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt gần 500 đại biểu Quốc hội và 90 triệu người dân Việt Nam chính thức ký chứng thực Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước đó, ngày 28-11, Quốc hội khóa XIII với tỷ lệ phiếu 97,59% tán thành đã thông qua bản Hiến pháp đề cao quyền con người một cách rõ nét này.

Quyền con người – bước tiến về tư duy pháp lý trong Hiến pháp nước CHXNCN Việt Nam - ảnh 1
Hiến pháp sửa đổi có thêm nội dung về quyền con người trong Chương II
(Ảnh minh họa)


Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là vấn đề quan trọng, là nội dung cơ bản của bất kỳ một bản Hiến pháp nào trên thế giới.


Việc Hiến pháp sửa đổi có thêm nội dung về quyền con người trong Chương II là một bước tiến đáng kể về tư duy pháp lý đồng thời cũng đảm bảo cho Hiến pháp sau khi ban hành không còn quá khác biệt so với nội dung của các bản Hiến pháp khác trên thế giới, đảm bảo việc cụ thể hóa các Công ước của Liên hợp quốc về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.


Nhiều nội dung về quyền con người lần đầu tiên được quy định


Hiến pháp sửa đổi đã nêu đầy đủ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người. Hiến pháp sửa đổi cũng lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành… Cử tri Phạm Văn Thành, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, nhận xét: "
Tôi rất tâm đắc vì đưa quyền con người vào Hiến pháp lần này. Việc quy định này là phù hợp với xu thế quốc tế, rất tiến bộ và cũng đảm bảo cơ sở pháp lý cho nhân dân và chính quyền thực hiện quyền con người".


Các điều khoản của Hiến pháp sửa đổi cũng có sự thiết kế lại theo hướng nhóm các quyền lại để đảm bảo tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, đảm bảo tính khoa học, hợp lý. Đáng chú ý trong Hiến pháp sửa đổi, có sự thể hiện rõ quyền nào là nhóm quyền được áp dụng đối với mọi cá nhân với tư cách là quyền con người, quyền nào là nhóm quyền chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam với tư cách là các quyền công dân. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: "T
rong Hiến pháp sửa đổi, quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được chuyển từ Chương 5 lên Chương 2. Như vậy, riêng bố cục cũng đã thể hiện tầm quan trọng của chương về quyền con người. Thứ hai là tên chương cũng có sự thay đổi, trước đây là quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, còn bây giờ là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân. Điều đó khẳng định Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những công ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên. Trường hợp nào hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải do Hiến pháp, luật định trong những trường hợp thật cần thiết vì những lý do rất cụ thể đã được quy định rõ trong Hiến pháp”.


Các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình tiếp tục được khẳng định và quy định việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.


Đẩy nhanh việc ban hành Luật để thực thi quyền con người


Để những quy định về quyền con người được thực thi triệt để trong cuộc sống cần  ban hành luật nhằm có trình tự thủ tục cụ thể. Phó chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết:
 "Về nguyên tắc, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp là có hiệu lực trực tiếp phải thi hành. Tuy nhiên vấn đề không phải là cụ thể hoá quyền đó, vấn đề là quy đinh trình tự, thủ tục để thực hiện một số quyền mà thiếu nó thì quy định đó khó đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện các quyền được tốt hơn, hiệu quả hơn trên thực tế. trong dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội khoá XIII đã có điều đó. Vấn đề đặt ra là phải khẩn trương xây dựng luật để các quyền của công dân có ý nghĩa trên thực tiễn”.


Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền chủ chốt. Ghi nhận, khẳng định quyền con người trong Hiến pháp sẽ góp phần bảo đảm quyền con người được thực thi trên thực tế./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu