Quốc tế đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật” trên Biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Ấn Độ tin tưởng, bất kỳ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các quy trình ngoại giao và pháp lý, mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì thời gian gần đây Trung Quốc lại gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Những ngày qua, nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề tự do hàng hải, bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh việc đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông.

Quốc tế đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật” trên Biển Đông - ảnh 1

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. Ảnh: CSIS

Biển Đông đang ngày càng nhận được sự quan tâm chung của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Xuất phát từ nhận thức chung, lợi ích chung là hòa bình ổn định an ninh khu vực, đặc biệt là tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông là vấn đề cực kỳ quan trọng của khu vực và của tất cả các nước, các quốc gia đều mong muốn cùng chung tay đóng góp để đảm bảo mục tiêu này.

Nhấn mạnh “thượng tôn pháp luật”

Tính riêng khoảng 3 tháng gần đây, Trung Quốc liên tiếp có các hành động đơn phương trên biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực như tiến hành tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa, công bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông….

Những hành động này của Trung Quốc gây bất bình và phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Australia khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải tại Biển Đông và duy trì một lập trường “rất kiên định” về vấn đề này. Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 16/7 Canberra sẽ tiếp tục có hành động, tuyên bố cùng sáng kiến riêng của mình. Bộ Quốc phòng Philippines ra thông cáo khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Trong thông cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này cũng là một bên tham gia ký kết.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong phát biểu với báo giới tuyên bố phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Lập trường kiên định của Nhật Bản là ủng hộ “tính thượng tôn pháp luật”, sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực hay cưỡng ép và Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước vì mục đích này.

Quốc tế đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật” trên Biển Đông - ảnh 2Thủ tướng Australia Scott Morrison 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 16/7 cũng khẳng định: Ấn Độ cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)". Ấn Độ tin tưởng, bất kỳ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các quy trình ngoại giao và pháp lý, mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nêu rõ, Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp. Mỹ mong muốn gìn giữ hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên biển theo cách nhất quán với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở, và chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực để giải quyết tranh chấp. Đây là những lợi ích sâu sắc và trường tồn mà Mỹ chia sẻ với nhiều đồng minh và đối tác của mình, những người từ lâu ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình. Tuyên bố của Mỹ được các nước ASEAN hoan nghênh.

Việt Nam mong muốn đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Là một quốc gia có chủ quyền và lợi ích liên quan trực tiếp ở Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán là nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình, đặc biệt  tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982. Trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và dư luận của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cùng các nước ASEAN hoan nghênh lập trường này và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Các nước trong và ngoài khu vực cần tôn trọng trật tự pháp luật trên đại dương, cùng chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu