Quản lý để thúc đẩy Internet phát triển

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Internet bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1997 và đến nay có bước phát triển ngoạn mục. Có được thành tựu này là do Việt Nam đã có chính sách đúng đắn trong quản lý và thúc đẩy sự phát triển của Internet. Bài viết của biên tập viên Thu Hoa nhan đề: “ Quản lý để thúc đẩy Internet phát triển” nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam chính thức gia nhập xa lộ thông tin toàn cầu.

(VOV5) - Internet bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1997 và đến nay có bước phát triển ngoạn mục. Có được thành tựu này là do Việt Nam đã có chính sách đúng đắn trong quản lý và thúc đẩy sự phát triển của Internet. Bài viết của biên tập viên Thu Hoa nhan đề: “ Quản lý để thúc đẩy Internet phát triển” nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam chính thức gia nhập xa lộ thông tin toàn cầu.

Quản lý để thúc đẩy Internet phát triển - ảnh 1
Ảnh: thongtincongnghe.com

Việt Nam bắt đầu kết nối Internet từ ngày 19-11-1997. Sau 15 năm, sự phát triển Internet tại Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ từ cách thức quay số sang băng rộng và liên tục đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Từ năm 1997 đến 2003, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu người sử dụng Internet. Trong thời kỳ internet băng rộng hữu tuyến, đánh dấu bằng sự ra đời của dịch vụ Internet ADSL tháng 2-2003, số lượng người sử dụng internet đã tăng cao. Đến nay, Việt Nam có 19 nhà cung cấp dịch vụ Internet, tỷ lệ và số lượng người dùng internet tăng gấp 10 lần, từ gần 3,1 triệu người dùng Internet năm 2003 lên hơn 31,1 triệu người dùng vào tháng 9-2012. Sự ra đời của dịch vụ truy cập Internet qua mạng 3G trong tháng 10-2009, đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng. Chỉ sau ba năm, số lượng người dùng tính đến tháng 7-2012 đã lên tới 16 triệu người sử dụng, tương đương với khoảng 18% dân số Việt Nam.Theo đánh giá của tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), mới chỉ tính đến năm 2011, VN đã đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ % người dùng Internet theo dân số. Đến nay, VN là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tỷ lệ tăng hơn 12% trong giai đoạn 2000 – 2010. Hiện nay, Internet băng rộng đã cung cấp dịch vụ trên khắp cả nước, khi tỷ lệ xã có Internet tại thành thị đạt 99,85%, tại nông thôn đạt 84,46%. Trong khi đó, tỷ lệ số hộ gia đình có kết nối Internet đạt 8,2% trên tổng số 12,6% số hộ gia đình có máy tính trên cả nước. Internet có bước phát triển ngoạn mục như vậy là do Việt nam hết sức quan tâm, tạo điều kiện để Internet phát triển. Quan điểm này được Việt nam thực hiện hết sức nhất quán trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách quản lý Internet như Luật công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, hoặc cụ thể hơn như là Nghị định số 47 về quản lý và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đều khẳng định một điều: khuyến khích sử dụng internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao năng suất lao động, mở rộng các hoạt động thương mại, hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ Internet, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về internet, đồng thời có biện pháp ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức và các quy định của pháp luật. Đây là những chính sách quản lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của Internet mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Và Việt Nam sẽ tiếp tục theo đổi chính sách phát triển Internet theo định hướng như vậy.

Sau 15 năm, Internet đã tác động khá toàn diện đến mọi mặt đời sống xã hội và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở VN. Ngay cả bộ máy chính quyền cũng sử dụng Internet như một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý. Nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội không thể vận hành nếu thiếu Internet. Trong xu hướng hội nhập, Internet là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, là chìa khóa cho việc tiếp cận thông tin và phát triển công nghệ. Chính vì vậy, Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc quản lý Internet để đảm bảo sự phát triển hữu ích và vai trò to lớn của Internet trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet ở Việt Nam, tại lễ kỷ niệm 15 năm Internet ở Việt nam, cho biết:Tư duy quản lý Internet trong từng giai đoạn có sự thay đổi. Trước năm 1997, khi mà Internet mới bắt đầu được triển khai ở VN thì chúng ta quản lý theo quan điểm: quản lý đến đâu thì mở ra đến đấy. Tuy nhiên, sau này, chúng tôi đã xây dựng một quan điểm chỉ đạo, thể hiện sự đổi mới cao nhất trong chỉ thị 58 của Bộ Chính trị là quản lý phải theo kịp với nhu cầu phát triển. Theo tôi, đó là một quan điểm rất mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của Internet của VN. Hiện nay, tư duy quản lý Internet chúng tôi nghĩ phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, theo đó, quản lý phải thúc đẩy sự phát triển, tức là quản lý phải có tầm nhìn, phải có định hướng cho tương lai.

Trong nỗ lực đổi mới mạnh mẽ các chính sách quản lý, thúc đẩy Internet phát triển, năm 2012 này, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã trình lên Chính phủ nghị định mới về quản lý Internet, trong đó thúc đẩy phát triển nội dung, các ứng dụng trên internet; tạo cơ chế bảo đảm cho hoạt động của các doanh nghiệp, người sử dụng được tiến hành trên một môi trường an toàn an ninh cao nhất. Nghị định này được thông qua sẽ là môi trường pháp lý thuận lợi để Internet liên tục phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu