Quan hệ Trung - Nhật - Hàn: Xu thế hợp tác vẫn là chủ đạo

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ giữa 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại gặp sóng gió khi mới đây, khoảng 85 nghị sĩ Nhật đã đến viếng đền Yasukuni nhân dịp Lễ Mùa thu truyền thống của nước này.

(VOV5) - Quan hệ giữa 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại gặp sóng gió khi mới đây, khoảng 85 nghị sĩ Nhật đã đến viếng đền Yasukuni nhân dịp Lễ Mùa thu truyền thống của nước này.


Cũng như những lần thăm viếng trước, chuyến viếng thăm đền lần này của các chính khách Nhật gây bất bình lớn cho hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.


Chuyến viếng thăm đền của các nghị sĩ, gồm dân biểu, thượng nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái của Nhật Bản, diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi đồ lễ tới đền Yassukuni, đã gây phản ứng mạnh từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bất đồng mang tính lịch sử

Trong một phản ứng gay gắt đưa ra ngay sau vụ việc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nêu rõ: Bắc Kinh phản đối việc dâng lễ vật và đòi hỏi Tokyo phải suy nghĩ về quá khứ hung hăng và đưa ra những biện pháp cụ thể để lấy lại sự tin tưởng của các láng giềng Châu Á và cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc thì bày tỏ "quan ngại sâu sắc và thất vọng" trước động thái trên của nhóm nghị sĩ Nhật Bản. Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản nhìn nhận đúng đắn về vấn đề lịch sử và thể hiện sự hối lỗi, suy nghĩ nghiêm túc về lịch sử quá khứ bằng những hành động thực tế để lấy lại lòng tin của các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế và hướng tới tương lai.


Quan hệ Trung - Nhật - Hàn: Xu thế hợp tác vẫn là chủ đạo - ảnh 1
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Tokyo. AFP/TTXVN

Đền Yasukuni thờ 2,5 triệu tử sĩ Nhật ngã xuống vì đất nước từ giữa thế kỷ 19. Nhưng năm 1978, tên của 14 nhân vật bị xem là tội phạm chiến tranh (hay còn gọi là tội phạm chiến tranh hạng A), bị Đồng Minh kết án sau Thế chiến II, được đưa vào đền thờ. Từ đấy trở đi, tranh cãi ngoại giao thường xuyên xảy ra do các nước láng giềng là Hàn Quốc và Trung Quốc coi động thái này của Nhật Bản là tưởng nhớ các tội phạm chiến tranh. Trung Quốc và Hàn Quốc luôn xem đền Yasukuni là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong thời chiến. Vì thế, các cuộc thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản và các quan chức chính phủ Nhật Bản luôn khiến dân Triều Tiên tức giận, chính phủ Hàn Quốc phản kháng dữ dội, báo chí Hàn Quốc lên án Nhật Bản, nhiều cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra. Cuộc thăm đền của quan chức Nhật Bản cũng gây bất bình ở Bắc Kinh, sự phản kháng của Bộ Ngoại giao và đôi khi các cuộc biểu tình của dân chúng trên đường phố. Ngay trong nước Nhật, cuộc chính thức thăm đền của người đứng đầu chính phủ cũng từng gây tranh cãi dữ dội giữa phái tả và phái hữu. 

 Cạnh tranh gay gắt về địa chiến lược

Đây không phải là lần đầu tiên quan hệ 3 nước Đông Bắc Á căng thẳng. Ngoài vấn đề mâu thuẫn mang tính lịch sử liên quan đến ngôi đền Yasukuni, quan hệ 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc còn rất dễ nổi sóng liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ. Trong những năm gần đây, đã nhiều lần, cộng đồng quốc tế chứng kiến những bất đồng và khiếu kiện lẫn nhau giữa các cặp quan hệ trong 3 nước này. 

Quan hệ Trung - Nhật - Hàn: Xu thế hợp tác vẫn là chủ đạo - ảnh 2


Đó là mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc xung quanh quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai bên đều tuyên bố có chủ quyền. Tiếp đến là những tranh cãi triền miên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề ai là chủ sở hữu thực sự của hai hòn đảo tổng cộng 18ha mang tên Takeshima và phía Hàn Quốc gọi là Dokdo. Mặc dù giá trị kinh tế của hai hòn đảo này không có gì đáng nói, nhưng nó lại mang ý nghĩa quan trọng về mặt chủ quyền. Cả hai nước đều cho rằng hai hòn đảo trên là một phần lãnh thổ của họ từ hơn một thế kỷ qua. Ngoài ra, quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề liên quan đến việc Mỹ, đồng minh quan trọng của Hàn Quốc, có thể triển khai tên lửa THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. 

Xu thế hợp tác vẫn là chủ đạo

Đằng sau tất cả sự tranh cãi đó là sự cạnh tranh gay gắt về địa chiến lược trong khu vực giữa một Nhật Bản muốn khẳng định vị thế cường quốc trong khu vực, một Trung Quốc đang nổi lên và một Hàn Quốc với các chính sách cứng rắn, không chỉ trong vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, xu hướng hợp tác vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh quan hệ chính trị tại Đông Bắc Á với điểm sáng là hợp tác về kinh tế và thương mại. Trong thực tế, ba nước này gắn bó với nhau bằng quan hệ kinh tế chặt chẽ và cả Tokyo, Bắc Kinh và Seoul đều nhận thức rõ nếu phá vỡ điều đó không có lợi cho bất cứ bên nào.

Là 3 nước có tầm ảnh hưởng nhất trong khu vực Đông Bắc Á, quan hệ Trung-Nhật-Hàn có ảnh hưởng quan trọng và sâu sắc tới tình hình khu vực. Làm thế nào kiểm soát bất đồng, tích lũy nhận thức chung và thúc đẩy hợp tác, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện an ninh, ổn định và phồn vinh của khu vực Đông Bắc Á. Vì vậy, những căng thẳng hiện nay xoay quanh những bất đồng lịch sử này, theo các chuyên gia nhìn nhận, chỉ là những bước lùi tạm thời trong thế trận ngoại giao, khi mà vừa hợp tác, vừa cạnh tranh luôn là cuộc đua đầy phức tạp và mỗi quốc gia có những lý do riêng để bảo vệ những lợi ích của mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu