Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng đất nước

Bùi Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang xác định phát huy sức mạnh kiều bào trong xây dựng đất nước được thực hiện trên 3 phương diện: thu hút nguồn đầu tư, kiều hối; thu hút chất xám và giao lưu văn hoá.
(VOV5) - Với trên 4 triệu người sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước nhìn nhận là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam và  là nguồn nhân lực quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước. 

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng đất nước - ảnh 1
Kiều bào tham gia diễu hành trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang xác định phát huy sức mạnh kiều bào trong xây dựng đất nước được thực hiện trên 3 phương diện: thu hút nguồn đầu tư, kiều hối; thu hút chất xám và giao lưu văn hoá.

Thu hút nguồn đầu tư, kiều hối.

Những năm gần đây, nguồn đầu tư, kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài về nước liên tục tăng. Quy mô của các dự án ngày càng mở rộng, phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tài chính trong nước. Tính đến nay, có 51 trong tổng số 63 tỉnh/thành phố có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 3.600 doanh nghiệp và vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD. Phần lớn các dự án này là của người Việt Nam ở Mỹ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Hà Lan, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản.... Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng, tập đoàn lớn tại Việt Nam như Techcombank, VPbank, VinGroup, Melinh plaza Eurowindow, Masan...

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển kinh tế đất nước cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua lượng kiều hối gửi về ngày càng tăng, là nguồn lực quan trọng trong việc ổn định kinh tế của đất nước. Đặc biệt, năm 2013, kiều hối đạt con số ấn tượng với 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam lọt vào tốp 9 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối nhiều nhất.         

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, đánh giá:
 "Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định rất rõ khi chúng ta nghiên cứu, đánh giá về tình hình chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài 10 năm trước đây. Chúng ta đã xác định nguồn lực của kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài là hết sức quan trọng. Tiềm năng của kiều bào chúng ta trong cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa hết sức quan trọng".

Thu hút chất xám từ kiều bào

Sự đóng góp của kiều bào không chỉ thể hiện dưới góc độ kinh tế mà trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội… hầu như đều có những dấu ấn của kiều bào.

Theo ước tính, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 400.000 người có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật bậc cao. Để thu hút được nhiều hơn sự đóng góp của tri thức kiều bào, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ: 
“Chúng ta cần có những chính sách đãi ngộ, những chiến lược để vận động và sử dụng trí tuệ của các nhà khoa học, của trí thức trẻ tuổi người Việt Nam ở nước ngoài một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi đang đệ trình Chính phủ đề án chính sách thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về để phục vụ đất nước dù hiện nay đã có một số chuyên gia trí thức ở các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, y học đã về Việt Nam để làm việc”.      

Phát huy nguồn lực từ kiều bào  

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là cầu nối quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực và thế giới. Đây là nhân tố quan trọng trong thực hiện đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, trong đó có nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy cũng cần phát huy lợi thế này của kiều bào thông qua các hoạt động cộng đồng như triển lãm, hội chợ quảng bá văn hóa, thương mại, du lịch của Việt Nam với thế giới.

Để tăng thêm niềm tin và thu hút đầu tư từ kiều bào, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng trong thời gian tới, cần tháo gỡ 3 điểm cốt lõi, đó là: cơ chế, định hướng và tư duy. Trong đó, cơ chế thu hút đầu tư và định hướng đầu tư vẫn là chìa khóa then chốt. Theo Thứ trưởng: 
“Trong thời gian tới, song song với việc kiến nghị Chính phủ thông qua đề án Chính sách thu hút trí thức kiều bào về trong nước thì chúng ta tiếp tục phải có các cơ chế, chính sách cởi mở hơn; các quy chế, điều kiện về đầu tư vào trong nước cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các địa phương, các tỉnh, thành phố đối với bà con kiều bào có dự án đầu tư vào trong nước. Những dự án không vay tiền ngân hàng, đầu tư bằng 100% vốn của kiều bào, phải có chế độ ưu ái đặc biệt để kiều bào phát huy được và quyết tâm thực hiện dự án đến cùng".

Năm 2014 đánh dấu 10 năm thi hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về tăng cường một bước công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của kiều bào là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là minh chứng sinh động khi Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu