Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển cùng đất nước

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Du nhập vào Việt Nam từ 2000 năm trước, phù hợp với đời sống đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 khai mạc sáng nay (28/11), tại Thủ đô Hà Nội. Những thành tựu Phật sự đạt được trong nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) và nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027) cho thấy rõ truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển cùng đất nước - ảnh 1Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao quà tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Giới Minh/qdnd.vn

Du nhập vào Việt Nam từ 2000 năm trước, phù hợp với đời sống đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận. Đây cũng là tôn giáo có nhiều ảnh hưởng tích cực tới đời sống xã hội, góp phần làm phong phú sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc.

Lịch sử đồng hành cùng dân tộc trong xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước

Từ xa xưa, Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Ở thời kỳ nào cũng luôn có các vị cao tăng trí cao, đức trọng đứng ra giúp dân, giúp nước. Sau khi thống nhất đất nước, Phật giáo gương mẫu đi đầu thực hiện thống nhất hệ phái Phật giáo cả nước trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhiều tăng ni, nhà chùa có vai trò quan trọng trong cuộc vận động quần chúng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở mọi địa bàn. Với nhiều cách làm hay, tăng ni Phật tử tích cực tham gia công tác xã hội, xã hội hóa các hoạt động y tế, trợ giúp an sinh, từ thiện, nhân đạo. Những hoạt động có ý nghĩa cao đẹp này đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với chính quyền, với cộng đồng, được nhân dân ghi nhận. Đặc biệt khi dịch COVID - 19 bùng phát, hàng nghìn tăng ni, Phật tử đã tình nguyện xung phong vào các tuyến đầu chống dịch, ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho quỹ hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, những phần quà và suất ăn miễn phí.

Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển cùng đất nước - ảnh 2Các tăng ni tham gia nghiên cứu Phật học. Ảnh: Giới Minh/qdnd.vn

Những năm qua, hoạt động đối ngoại của phật giáo được mở rộng, đa dạng, đặc biệt là việc tham gia các tổ chức quốc tế, phát triển các hội Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt trong nhiệm kỳ VIII vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp tổ chức rất thành công Đại lễ Vesak của Liên hiệp Quốc (năm 2019), được thế giới đánh giá rất cao.

Những kết quả tích cực trong hoạt động của giáo hội trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn là một tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, sát cánh đồng hành cùng dân tộc.

Đánh giá về những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo; khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc; luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực cùng toàn dân xây dựng phát triển đất nước".

Cùng xây dựng Việt Nam phát triển hùng cường thịnh vượng

Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ mới (2022 - 2027), tăng ni, Phật tử giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp.

Thượng tọa Thích Đức Thiện,  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: "Tăng ni, Phật tử các cấp giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế; vững vàng kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng, đạo pháp dân tộc, chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và nhân dân cả nước".

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phật giáo Việt Nam  sẽ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, đảm bảo có sự tiếp nối truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quan hệ Phật giáo quốc tế theo định hướng gắn với ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, kiện toàn, mở rộng và kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

Truyền thống yêu nước, hộ quốc, an dân, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam luôn được phát huy trong mọi giai đoạn lịch sử. Và trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, với tinh thần đại đoàn kết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng với tăng ni, Phật tử tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ mới đề ra, cùng xây dựng và phát triển đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu