Phán quyết về Biển Đông - nền tảng luật pháp thiết lập trật tự trên biển

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Phán quyết đã trở thành dấu mốc quan trọng, là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, là nền tảng luật pháp quốc tế để thiết lập trật tự trên biển.

Cách đây 5 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở La Hay (gọi tắt là toà PCA) đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. 5 năm sau phán quyết, tình hình trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là cùng với UNCLOS 1982, phán quyết đã trở thành dấu mốc quan trọng, là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, là nền tảng luật pháp quốc tế để thiết lập trật tự trên biển.

Phán quyết về Biển Đông - nền tảng luật pháp thiết lập trật tự trên biển - ảnh 1Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) tổ chức tranh tụng kín từ ngày 7-13/7/2016 cho vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. Nguồn: PCA

Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định "quyền lịch sử" đối với các tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi cái gọi là "đường 9 đoạn". Điều đó có nghĩa là, Trung Quốc không thể nêu yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cũng như không có "quyền lịch sử" để tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực này.

Phán quyết thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận

Phán quyết của Tòa PCA thời điểm đó không chỉ nhận được sự quan tâm lớn của các quốc gia trong khu vực, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Trung Quốc, mà cả các quốc gia ngoài khu vực.

Nhiều tuyên bố của các nhà lãnh đạo, hàng trăm bài phân tích, bình luận của các học giả, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài khu vực đã đánh giá cao ý nghĩa phán quyết của Tòa, cho đây là cơ sở pháp lý góp phần hạn chế, giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển Đông, cùng với UNCLOS 1982. Dư luận quốc tế khẳng định PCA đã đề cao ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ UNCLOS 1982, đồng thời lên án các hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế gây bất ổn về an ninh tại khu vực.  

Tuy 5 năm qua, tình hình biển Đông trên thực địa không diễn biến như nội dung phán quyết đề ra, nhưng về cơ bản, phán quyết đã là chất xúc tác cho những phản ứng mạnh mẽ hơn với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và tuân thủ UNCLOS 1982 đã trở thành chủ đề nóng của nhiều diễn đàn, hội nghị đa phương, song phương. Biển Đông ngày càng được nhiều quốc gia  trong và ngoài khu vực quan tâm. Năm 2020, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến “cuộc chiến công hàm” liên quan đến vấn đề Biển Đông. Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế trong vụ kiện năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Biển Đông đã không chỉ là vấn đề giữa các quốc gia trong khu vực với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các nước trên toàn thế giới.

Phán quyết về Biển Đông - nền tảng luật pháp thiết lập trật tự trên biển - ảnh 2Đám đông tập trung bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati, Philippines, ngày 12/7 nhân kỷ niệm 5 năm phán quyết Biển Đông. Ảnh: ABS-CBN News

Tháng 6/2021, gần 100 nước thành viên Liên hợp quốc đã tham gia “Nhóm bạn bè của UNCLOS”, đồng thời ngày càng có nhiều nước tham gia FONOP (hoạt động tự do hàng hải) trên Biển Đông, thể hiện quan điểm phản đối yêu sách chủ quyền trái pháp luật. Theo các chuyên gia, thực tế này đều chịu tác động của sự kiện 12/7/2016. Rõ ràng, phán quyết PCA năm 2016 đã trở thành dấu mốc quan trọng, khẳng định sự cần thiết giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở pháp luật quốc tế.

Không có chỗ cho những toan tính lợi ích riêng trên Biển Đông

Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu.

Với vị trí trọng yếu chiến lược như vậy, gìn giữ hòa bình, ổn định, an toàn ở Biển Đông là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền xung quanh và cả những quốc gia ngoài khu vực có lợi ích liên quan. Những tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Giải quyết hiện đại, không có chỗ cho những toan tính lợi ích riêng.

Phán quyết ngày 12/7/2016, rộng ra là UNCLOS 1982 cần phải được tuân thủ. Biển Đông là phép thử cho các quốc gia có cùng lợi ích về những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, đồng thời là biểu tượng cho việc thượng tôn pháp luật, duy trì trật tự thế giới dựa trên pháp lý.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu