Nỗ lực xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững

Thu Hoa BT
Chia sẻ
(VOV5) -Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019 tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững là chủ đề bài viết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp năm mới 2019. Cùng với việc đánh giá những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019, năm mà Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá để đạt được kết quả cao nhất trên mọi lĩnh vực phát triển.

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phương châm hành động kỷ cương, liêm chính, hành động sáng tạo, hiệu quả của Chính phủ đã đạt được sự đồng thuận cao và hưởng ứng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân cả nước, đem đến những thành tựu vô cùng quan trọng trong năm 2018.

Nỗ lực xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh  Nam Trần/Tuoitre.vn 

Những kỷ lục kinh tế năm 2018

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy  mô GDP tăng mạnh, bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,54%, các cân đối lớn được đảm bảo, thể hiện các chính sách vĩ mô được đảm bảo. Những kỷ lục kinh tế của Việt Nam năm 2018 gồm: tổng kim ngạch xuất khẩu 245 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt trên 60 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là 19,1 tỷ USD. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam là 15,5 triệu người, tăng 19,9% so với năm 2017. Điều đáng nói trong năm 2018 là chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực với trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 34 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Việt Nam  tự hào có nhiều tập đoàn tư nhân đang phát triển lớn mạnh và nhiều công trình, dự án rất lớn hứa hẹn tạo ra bứt phá cho tương lai.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội, tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu cũng đạt được những thành quả đáng khích lệ.Việt Nam thực hiện tốt chính sách người có công; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho 1,65 triệu lượt người; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 3,1%. Công tác y tế được đẩy mạnh với hơn 86% dân số tham gia bảo hiểm y tế.  Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, để vươn lên tầm khu vực, toàn cầu trong năm 2018.

 Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã xác định rõ năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên mọi lĩnh vực để đạt được kết quả cao nhất trong mọi lĩnh vực phát triển. Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá", Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 01 và 02 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước  năm 2019 và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc tập trung phát triển kinh tế bao gồm: củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử.

Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh;chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, coi đây là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Năm 2019, Việt Nam cũng tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân,  thúc đẩy liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp nhà nước, ứng dụng công nghệ cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng sẽ được chú trọng. Cùng với đó là việc tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng; trong đó chú trọng tạo môi trường không tham nhũng. Việt Nam cũng chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao, tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn đa phương. Cuối cùng, việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng dân tộc cũng được chú trọng nhằm mục tiêu đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu