Nỗ lực nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Nâng cao hình ảnh Việt Nam Giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được trí tuệ và các giá trị chân - thiện - mỹ của dân tộc Việt Nam.

Năm 2017, ngoại giao văn hóa đã góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Cùng đồng hành với những nỗ lực đó có đóng góp không nhỏ của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc trên trường quốc tế.

Nỗ lực nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 1Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.- Ảnh: VOV 

Có thể khẳng định trong hơn 40 năm kể từ khi thành lập, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đóng vai trò then chốt trong tiến trình hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với UNESCO, được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc triển khai thành công nhiều chương trình của UNESCO tại Việt Nam.

Không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của UNESCO trong việc tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Ủy ban UNESCO Việt Nam còn góp phần rất quan trọng trong việc đưa ngoại giao văn hóa trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Cầu nối văn hóa

Năm 2017, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức, triển khai nhiều sự kiện lớn như: kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; chủ động đề xuất tổ chức chuỗi sự kiện mang tính quốc tế nhằm kỷ niệm 30 năm ngày UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ động triển khai Đề án vận động tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Nỗ lực nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 2  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Hùng Cường/VOV

Thông qua việc tham gia sâu rộng vào các diễn đàn của UNESCO, Việt Nam đã bảo vệ thành công việc công nhận hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại là “Hát Xoan Phú Thọ” và “Bài Chòi Trung bộ”. Việc 2 di sản này được công nhận nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận của Việt Nam lên con số 12, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của Việt Nam. Đặc biệt đối với “Hát Xoan”, đây là trường hợp đầu tiên được xem xét, công nhận và thực sự là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam với sự nỗ lực thành công trong việc bảo tồn và phát huy một di sản có nguy cơ bị biến mất. Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Đối với di sản hát xoan, việc ghi danh của UNESCO đối với di sản văn hóa phi vật thể đã tạo ra động lực to lớn thúc đẩy cộng đồng bảo vệ giữ gìn và phát huy tốt hơn các giá trị của di sản. Chúng tôi đang nỗ lực cùng cộng đồng tại các làng xoan gốc đưa di sản sống lại một cách bền vững, chủ động tạo điều kiện khuyến khích để các nghệ nhân hát xoan thực hiện việc trao truyền, đào tạo thế hệ nghệ nhân trẻ."

Tất cả những kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng trong thành công chung của ngoại giao văn hóa Việt Nam 2017. Đánh giá về những nỗ lực này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: "Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã phát huy xuất sắc vai trò là cầu nối lịch sử, văn hóa đất nước và con người Việt Nam với thế giới, qua đó nâng cao vai trò, vị thế và sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế. Những nỗ lực đó cũng đã giúp khơi dậy, khích lệ lòng tự hào dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; đồng thời tô đậm và làm phong phú hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế."

Giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được trí tuệ và các giá trị chân - thiện - mỹ của dân tộc Việt Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng CS Việt Nam lần thứ XII đã đề ra mục tiêu “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Để thực hiện những mục tiêu đó, đặc biệt là để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó đến việc tiếp tục phát huy những giá trị, ý tưởng, nguồn lực của UNESCO thông qua việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với UNESCO đóng vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, nỗ lực đóng góp, làm phong phú thêm những giá trị tư tưởng, giáo dục, nền tảng văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại; cùng đồng hành với UNESCO trong tiến trình thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu