Nỗ lực bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Không chỉ nỗ lực hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu có thể kéo lùi những thành tựu phát triển của loài người, nhất là đe dọa đến những quyền cơ bản của con người. Việt Nam đã và đang cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với thiên tai, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển của xã hội, đảm bảo quyền sống an toàn và lành mạnh của con người. Hoạt động này tiếp tục khẳng định chính sách của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền của con người, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, trước tác động của biến đổi khí hậu.

Nỗ lực bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu - ảnh 1Hội thảo “Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt” diễn ra ngày 29/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Theo ước tính, nếu nước biển dâng lên 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, cuộc sống của 20-30 triệu người dân sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.Tác động của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo đó, biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập quốc dân tới 3,5% vào năm 2050 và ảnh hưởng đến khoảng 74% dân số Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ và trẻ em gái, những người nghèo, những người khuyết tật.

Nỗ lực cùng cộng đồng thế giới phòng chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994, chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã sớm gửi Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) vào năm 2015 cho UNFCCC và sau đó đã gửi bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định vào năm 2020. Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật INDC, đồng thời đã điều chỉnh tăng đáng kể mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 của đất nước.

Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 và lên tới 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương và đầu tư của doanh nghiệp.

Nỗ lực bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu - ảnh 2

Việt Nam đang tiến hành đồng thời nhiều biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. (Trong ảnh: Các tình nguyện viên trồng cây ngập mặn tại khu hang Đầu Gỗ - Quảng Ninh). Ảnh: Ngô Yến/ baogiaothong.vn

Mới đây, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia.

Thực tế những năm qua, Việt Nam đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, các địa phương ven biển...

Giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ và cam kết thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện, coi việc giảm nhẹ phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

Quan tâm đảm bảo quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Không chỉ nỗ lực hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc thúc đẩy các Nghị quyết hằng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền của từng nhóm cụ thể như: quyền trẻ em, quyền phụ nữ quyền người cao tuổi, quyền của người di cư… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế vì ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy vấn đề quyền con người.

Đặc biệt, Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), trong đó có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cũng như các cam kết theo các Công ước quốc tế về nhân quyền Việt Nam đã tham gia (ICCPR, ICESCR, CEDAW, CRC, CRPD), nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng như triển khai thực hiện các cam kết về quyền tự do cơ bản của con người, bao gồm quyền tham gia và thông tin, minh bạch, trách nhiệm, bình đẳng và không phân biệt đối xử trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu