Nhân quyền mang ý nghĩa nhân văn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân hạnh phúc

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. 

Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định rõ nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, cuộc sống bình yên... Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ chủ trương phát triển kinh tế xã hội nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người trong bối cảnh quốc gia đang từng bước giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0.

Nhân quyền mang ý nghĩa nhân văn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân hạnh phúc - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: TTXVN

Con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Do đó, điều quan trọng nhất, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là phát huy tối đa yếu tố con người, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Nhân quyền mang ý nghĩa nhân văn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân hạnh phúc - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người dân. Đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sau 2 tháng triển khai chủ trương chuyển hướng, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng kinh tế đạt dự kiến khoảng 2,5-3% năm 2021. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút đầu tư nước ngoài tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại, niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.

Để sự phục hồi kinh tế bền vững, đảm bảo quyền con người trong bối cảnh phải thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tranh thủ những thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, từ đó chuyển đến mô hình phát triển một cách hiệu quả, bền vững, giúp người dân thực hiện tốt hơn các quyền y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế và quyền tham gia xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền.

Cũng trong năm 2021, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, qua đó thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với UPR nói riêng và việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. Những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững. Đây là minh chứng cho chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, như quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam: “Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể”; đồng thời là động lực, mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch Covid-19.

Về  chương trình cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số trụ cột của Việt Nam tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân quyền mang ý nghĩa nhân văn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân hạnh phúc, có cuộc sống ấm no, dân chủ, bình yên, an toàn. Do đó, Việt Nam nỗ lực phát triển kinh tế xã hội để phát huy tối đa yếu tố con người, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nhằm phát triền bền vững, chăm lo tốt hơn cho con người.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu