Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Một giải pháp chính trị đồng bộ, toàn diện nhằm chấm dứt xung đột tại Idlib vẫn phải trông chờ vào những người chơi chính, là chính phủ Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngày 5/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib, Syria. Sau những bất đồng, căng thẳng thời gian qua, thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Nga chớp nhoáng chỉ một ngày của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phần nào hạ nhiệt căng thẳng, là cơ sở cho việc chấm dứt hoạt động quân sự ở khu Idlib và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Syria.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria - ảnh 1Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Sarmada, tỉnh Idlib, Syria, hôm 2/2. - Ảnh: AP.

Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh tình hình thực địa tại tỉnh Idlib tại Syria diễn biến phức tạp, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự chống quân đội chính quyền Syria được phía Nga hậu thuẫn. Trước đó, các quan chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có 3 lần gặp nhau trực tiếp, song vẫn chưa thể tìm ra giải pháp hạ nhiệt cho vấn đề ở Idlib.

Tránh nguy cơ một cuộc đối đầu trực diện

Theo thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ngay lập tức, hai nước nhất trí tiếp tục nỗ lực chống khủng bố và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đáp trả tất cả các cuộc tấn công của chính quyền Syria trên thực địa, tuy nhiên chỉ giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn chứ không kiểm soát lãnh thổ Syria. Lãnh đạo hai nước cũng đồng ý thiết lập một hành lang an toàn chạy từ Đông sang Tây qua Idlib và tổ chức tuần tra chung dọc theo con đường này từ ngày 15/3.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria - ảnh 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. - Ảnh: Reuters

Idlib là vùng lãnh thổ cuối cùng do phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Quân đội Syria mở chiến dịch tái chiếm Idlib từ tháng 12/2019 với sự yểm trợ của không quân Nga và đã tái chiếm được nhiều vị trí quan trọng, buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân can thiệp nhằm duy trì ảnh hưởng ở Idlib. Ngày 1/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ 2 máy bay của Syria tại Idlib và không kích một sân bay quân sự ở bên ngoài khu vực tiền tuyến, khiến 19 binh sỹ Syria thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gia tăng các hoạt động quân sự, sau khi hàng chục binh sĩ nước này thiệt mạng trong các vụ không kích hồi tuần trước. Tính đến ngày 5/3, 57 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng.

Xung đột giữa lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria khiến quan hệ Moscow - Ankara căng thẳng, tình hình chiến sự tại Syria trở nên rối ren hơn. Các máy bay Nga ném bom dữ dội vào phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Liên hợp quốc đã chỉ trích Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “phạm tội ác chiến tranh”, gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất trong vòng 9 năm nội chiến Syria. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Nga đang can thiệp ngày càng sâu vào chiến sự Syria, thì về phần mình Nga khẳng định nước này đưa quân tới Syria theo yêu cầu hợp pháp của chính quyền Syria. Tất cả lực lượng quân sự của nước khác tại Syria đều vi phạm nguyên tắc thông thường và luật pháp quốc tế.

Syria và cuộc chơi giữa các nước

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận ngừng bắn đạt được có tác động đáng kể tới cục diện hiện nay trên chiến trường Syria. Rõ ràng, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều quyết tâm tránh xung đột trực tiếp, bởi hai nước vốn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về thương mại, quốc phòng. Trước chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Nga, Điện Kremlin phát đi thông điệp khẳng định hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ là 1 ưu tiên hàng đầu của nước này. Về phần mình, Ankara cũng nhấn mạnh hai nước không thể lặp lại sai lầm trong quá khứ như hồi năm 2015, tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga dẫn tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, có một lý do khiến Ankara xích lại gần Moscow là trước đó, lời đề nghị Mỹ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận Idlib đã bị phía Washington từ chối thẳng thừng. Thay vào đó, Washington cho biết nước này chỉ xem xét việc hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại Idlib. Trong khi đó, các nước châu Âu cũng tỏ ra không hài lòng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên họ trong vấn đề Syria khi mở cửa biên giới để người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào châu Âu.

Hiện, một giải pháp chính trị đồng bộ, toàn diện nhằm chấm dứt xung đột tại Idlib vẫn phải trông chờ vào những người chơi chính, là chính phủ Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Với Syria, đó là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bao gồm cả Idlib. Với Nga, đó là củng cố ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông. Với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là giải quyết vấn đề người nhập cư tràn qua biên giới, nguy cơ an ninh từ người Kurds và khẳng định vai trò tại Syria. Thỏa thuận ngưng bắn vừa đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phần nào giúp giảm nhiệt nguy cơ đối đầu quân sự, tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở đây. Hòa bình tại Syria còn phải phụ thuộc rất nhiều về nỗ lực của các bên trên bàn đàm phán khi mà lợi ích của tất cả được cân bằng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu