Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang vận hành đúng hướng

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới chất lượng với các khối kinh tế mạnh.

Trước thềm Đại hội Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII, các thế lực thù địch dựng lên câu chuyện rằng nền kinh tế thị trường tại Việt Nam là một mô hình méo mó, chệch hướng, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, không khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Thực tế quá trình đổi mới kinh tế và xây dựng đất nước trong gần 35 năm qua cho thấy nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã và đang vận hành đúng hướng và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang vận hành đúng hướng - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) ngày 6/8/2020 tại Hà Nội. - Ảnh: Quang Hiếu/VGP

Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam mang lại hiệu quả cao. Minh chứng lớn nhất là qua gần 35 năm đổi mới, đất nước Việt Nam  phát triển nhanh chóng, từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, có độ mở lớn hàng đầu thế giới và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới chất lượng với các khối kinh tế mạnh (các hiệp định CPTPP, EVFTA), nên thị trường của nền kinh tế Việt Nam được mở ra rộng lớn.

Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều coi Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương. Cũng vì sức đề kháng của nền kinh tế đã tốt hơn trước nhiều nên nhìn chung việc tham gia các FTA của Việt Nam đều đạt được hiệu quả tốt.Tính đến tháng 2-2020, đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang vận hành đúng hướng - ảnh 2Ảnh minh họa.- Ảnh tuyengiao.vn

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng là theo thông lệ quốc tế. Trong các quy luật kinh tế thị trường thế giới mà Việt Nam tiếp thu có các quy luật về cạnh tranh, về lợi nhuận. Để bảo đảm có một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Đảng cộng sản Việt Nam thông qua đồng thời 3 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Ba nghị quyết này thể hiện rõ quan điểm của Đảng về việc xây dựng một nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh cao, cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30-12-2019, cũng khẳng định: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.

Rõ ràng là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có sự kỳ thị, ngăn trở kinh tế tư nhân.Ngược lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, ích nước, lợi nhà.

Thực tế là Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân phát triển rất nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế có nguồn lực mạnh, như: Vingroup, Sun Group, Vietjet Air, THACO Trường Hải, Hòa Phát, FPT... Nhà nước khuyến khích sự phát triển lành mạnh, đúng pháp luật của các doanh nghiệp tư nhân.

Theo công bố của Tạp chí Forbes ngày 7-4-2020, Việt Nam có 4 tỷ phú lọt vào danh sách các tỷ phú của thế giới, đó là: Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, với tài sản 5,6 tỷ USD, đứng thứ 286 trên bảng xếp hạng; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, với tài sản 2,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO Trường Hải, với tài sản 1,5 tỷ USD và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, với tài sản 1 tỷ USD. Ngoài những người được vào danh sách tỷ phú của thế giới, các doanh nhân Việt Nam thành đạt, giàu có ngày càng nhiều.

Việc phát triển nền kinh tế thị trường tại Việt Nam mang định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chứ không phải nền kinh tế thị trường theo kiểu tư bản, để xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường này, “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nền kinh tế của Việt Nam đã khắc phục được rất nhiều hạn chế của kinh tế thị trường tự do. Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hiệu quả định hướng, điều hành của Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế-xã hội so với nhiều quốc gia khác.

Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường tiếp thu tinh hoa kinh tế thị trường của nhân loại, nhưng mang đậm bản sắc chính trị, văn hóa của Việt Nam, phù hợp với đặc thù xã hội Việt Nam. Dù vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục, song với những thành tựu đã đạt được và những triển vọng đang mở ra, có thể khẳng định rằng việc Việt Nam xây dựng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu